16:38 08/07/2013

Bắt đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội

Nguyễn Lê

Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu từ ngày 10/7 tới đây

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Đánh giá kết quả kỳ họp thứ năm vừa qua và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ 6 sẽ khai mạc vào cuối tháng 10/2013 là nội dung đầu tiên của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 19, sẽ diễn ra từ 10 - 12/7 tới.

Vào ngày đầu tiên của tháng 7, trong thư gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lưu ý các vấn đề hệ trọng mà Quốc hội sẽ bàn và quyết định tại kỳ họp thứ sáu.

Theo đó, bên cạnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp... đến hết năm 2013, Quốc hội sẽ xem xét khả năng và bàn giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2014 và 5 năm 2011 - 2015 đã được các nghị quyết của Đảng và Quốc hội xác định từ đầu nhiệm kỳ.

Cũng theo Chủ tịch, tại kỳ họp này Quốc hội còn xem xét, đánh giá việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với xây dựng mô hình kinh tế của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội tiếp tục thảo luận, hoàn chỉnh và quyết định thông qua Hiến pháp sửa đổi, bổ sung và Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là hai nội dung công tác pháp luật mà nhân dân cả nước đặc biệt mong đợi ở chất lượng lập pháp của Quốc hội.

Nhấn mạnh thành công của kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của từng vị đại biểu,  Chủ tịch rất mong được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, chia sẻ để cùng đoàn kết, phấn đấu cho thành công của kỳ họp.

Bên cạnh xem xét việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tới, ở phiên họp này , Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)  sẽ được thảo luận tại phiên họp.

Chiếm khá nhiều thời gian của ba ngày họp là việc sửa đổi bổ sung một số nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01/10/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội cũng nằm trong chương trình phiên họp.