08:12 25/03/2019

Bầu cử ở Thái Lan: Phe quân đội đang dẫn trước

An Huy

Kết quả này đặt ra khả năng thủ lĩnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-Ocha tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-OCha sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 24/3 - Ảnh: Bloomberg.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-OCha sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 24/3 - Ảnh: Bloomberg.

Một chính đảng được thành lập bởi Chính phủ quân sự của Thái Lan đang dẫn trước trong cuộc bầu cử vừa diễn ra vào ngày Chủ nhật ở nước này - cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự 2014. Kết quả này đặt ra khả năng thủ lĩnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-Ocha tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng.

Hãng tin Bloomberg dẫn kết quả chưa chính thức được đăng trên trang Facebook của Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết, trong số 92% số phiếu được kiểm, đảng Palang Pracharath giành 7,5 triệu phiếu. Trong khi đó, Pheu Theu, một chính đảng có mối liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đứng ở vị trí thứ hai với 7,05 triệu phiếu.

Theo dự kiến, kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử sẽ được Ủy ban Bầu cử công bố vào lúc 2h chiều ngày thứ Hai.

Truyền thông Thái Lan dự báo đảng Palang Pracharath sẽ giành 146 ghế trong Hạ viện, đủ để đưa ông Prayuth trở lại ghế Thủ tướng. Thượng viện gồm 250 ghế được bổ nhiệm bởi chính ông Prayuth gần như chắc chắc sẽ ủng hộ ông. Điều này đồng nghĩa với việc ưu thế đang nằm trong tay phe quân đội.

Tuy nhiên, bất kỳ chính phủ liên minh nào do ông Prayuth đứng đầu cũng được dự báo sẽ có điểm yếu và không thể toàn quyền quyết định mọi việc, dẫn tới những trở ngại trong việc thông qua các dự luật tại Hạ viện. Ông Prayuth sẽ cần phải dựa vào các đảng nhỏ hơn để thông qua các chính sách chủ chốt, trong khi phe dân chủ gồm các đảng Pheu Thai và Tiến về tương lai (Future Forward) có thể sẽ hợp thành một lực lượng đối lập hùng mạnh.

"Chắc chắn đó sẽ là một thế giằng co. Tình hình chưa có gì là chắc chắn cả", ông Win Udomrachtavanich, Chủ tịch KTB Securities, nhận định và dự báo thị trường chứng khoán Thái Lan sẽ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Một chiến thắng thuộc về đảng Palang Pracharath sẽ là cú đột phá đối với phe quân đội và giới tinh hoa chính trị thân hoàng gia của Thái Lan, lực lượng đã ở trong cuộc đấu quyền lực với ông Thaksin và đồng minh của ông suốt 2 thập kỷ qua.

Nếu ông Prayuth tiếp tục cầm quyền, thì chính phủ của ông nhiều khả năng sẽ duy trì các chính sách của chính quyền quân sự hiện tại. Tuy nhiên, tính chất "hợp lòng dân" của kết quả này cũng có thể bị hoài nghi, bởi tỷ lệ cử tri đi bầu trong lần bầu cử này chỉ đạt 66%, so với mức 75% trong cuộc bầu cử hồi năm 2011.

Để lấy lòng cử tri Thái Lan trong lần bầu cử này, đảng của ông Prayuth đã sử dụng chính công thức dân túy của ông Thaksin - người đang sống lưu vong ở nước ngoài nhưng vẫn có ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Thái Lan. Trong đó, có các chính sách như giảm thuế, tăng lương tối thiểu thêm 30%, đảm bảo giá cao su, lúa gạo và mía đường cho nông dân. Ngoài ra, ông Prayuth cũng hứa sẽ hỗ trợ người thu nhập thấp khoảng 10 USD mỗi tháng.

Gần đây, ông Thaksin đã tìm cách chứng tỏ ông gần gũi hơn với hoàng gia Thái Lan. Một chính đảng có mối liên hệ với ông đã đề cử công chúa Ubolratana Rajakanya vào cương vị ứng cử viên Thủ tướng của đảng, nhưng động thái này đã bị nhà vua Maha Vajiralongkorn chặn lại. Tòa án Hiến pháp Thái Lan sau đó đã giải tán chính đảng này, gây cản trở cho chiến lược của ông Thaksin.

Cách đây ít hôm, ông Thaksin đã chụp ảnh cùng với công chúa Ubolratana trong đám cưới của con gái ông ở Hồng Kông. Vào đêm trước ngày bầu cử, nhà vua Thái Lan ra một tuyên bố hiếm gặp, kêu gọi người dân Thái Lan bỏ phiếu cho "những người tốt".

Theo ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Học viện nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, việc ông Thaksin xuất hiện với vị công chúa đã "phản tác dụng".

"Những giờ cuối cùng của cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là với tuyên bố của nhà vua về chọn người tốt", ông Thitinan nhận xét. "Đó là cú huých vào phút chót cho đảng Palang Pracharath".