Bill Gates gọi Steve Jobs là “phù thủy” cứu Apple khỏi sụp đổ
Bill Gates, nhà sáng lập “đế chế” phần mềm Microsoft, gọi thiên tài công nghệ Steve Jobs là “phù thủy” có khả năng “thôi miên mọi người”
Bill Gates, nhà sáng lập "đế chế" phần mềm Microsoft, gọi thiên tài công nghệ Steve Jobs là "phù thủy" có khả năng "thôi miên mọi người" để giúp đưa Apple thoát khỏi bờ vực sụp đổ trong những ngày đen tối nhất của hãng công nghệ này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNN, ông Gates đã đưa ra nhiều nhận xét về phong cách lãnh đạo của ông Jobs, người từng là "kỳ phùng địch thủ" của ông trong thế giới công nghệ. Trong thời gian ông Gates lãnh đạo Microsoft và ông Jobs chèo lái Apple, cả hai ông đều là những nhà lãnh đạo cứng rắn, thúc đẩy văn hóa công việc đầy quyết liệt.
Theo ông Gates, mọi người thường nói về những điểm tiêu cực trong tính cách của ông Jobs, nhưng ông Jobs là một nhà lãnh đạo "có một không hai" giúp đưa Apple trở lại từ chỗ cận kề "cõi chết" và vươn lên thành công ty có giá trị vốn hóa hàng đầu thế giới.
Khi ông Jobs quay trở lại Apple vào cuối thập niên 1990, "táo khuyết" khi đó đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Giờ đây, vốn hóa của Apple đang ở ngưỡng xấp xỉ 1.000 tỷ USD.
Ông Gates nhận xét rằng ông Jobs là "một ví dụ điển hình về phong cách lãnh đạo ‘đừng làm việc này ở nhà’". Tuy nhiên, ông cũng nói "tôi chưa bao giờ gặp một người nào giỏi đến vậy trong việc chọn người tài, tạo động lực cho nhân tài phát triển, và có cảm nhận tuyệt vời về các thiết kế, về ‘cái này tốt, cái kia không tốt’. Nhờ vậy mà ông ấy mang lại những điều vô cùng tích cực từ chính sự khó tính đó".
Theo ông Gates, ông Jobs có cách xoay chuyển thất bại bằng cách "niệm thần chú" đối với cả cấp dưới và các nhà quan sát bên ngoài. Ông Gates đã sử dụng một cụm từ trong bộ truyện Harry Porter, tự gọi mình là một "phù thủy nhỏ" vì có thể nhìn thấu "những câu thần chú" của ông Jobs.
Một ví dụ được ông Gates lấy làm dẫn chứng: sau khi đồng sáng lập Apple, ông Jobs đã mở một công ty có tên NeXT để sản xuất máy tính và hứng thất bại. Tuy nhiên, ông Jobs vẫn thu hút được sự quan tâm lớn dành cho NeXT và cuối cùng đã bán được công ty này cho Apple vào năm 1996.
"Công ty đó hoàn toàn chẳng có gì, nhưng ông ấy thôi miên được những người đó", ông Gates nói. "Steve thực sự là một trường hợp có một không hai, khi mà công ty đang sắp chết đến nơi thì ông ấy đã vực nó thành công ty đắt giá nhất thế giới với những sản phẩm thực sự tuyệt vời. Sẽ chẳng có thêm nhiều câu chuyện như vậy đâu".
Ông Jobs qua đời vào năm 2011, một thời gian sau khi rời công việc lãnh đạo Apple do căn bệnh ung thư tuyến tụy. Nhà thiết kế huyền thoại Jony Ive, người cùng với ông Jobs phát triển nhiều sản phẩm chủ lực của Apple, mới đây cũng tuyên bố chuẩn bị rời công ty.
Về văn hóa làm việc tại Microsoft, ông Gates thừa nhận rằng sự căng thẳng đôi khi "đi quá xa", nhất là trong những năm đầu tiên của công ty.
"Ở một mức độ nào đó, chúng tôi có một nhóm được lựa chọn chủ yếu là đàn ông, và tôi xin thừa nhận là chúng tôi đã khá cứng rắn với nhau", ông Gates nói. "Chúng tôi phụ thuộc lẫn nhau để làm việc trong thời gian dài mỗi ngày, và tôi luôn muốn là người làm tốt nhất. Tôi nghĩ sự căng thẳng đó, dù có đi quá xa, vẫn là điều tuyệt vời cho độ tuổi 20, 30, và 40 của tôi".
Kể từ khi rời Microsoft, ông Gates đến nay dành phần lớn thời gian cho quỹ từ thiện Gates Foundation. Ông cho biết vẫn giữ phong cách "thúc đẩy công việc mạnh mẽ" tương tự như ở Microsoft, nhưng sự tập trung đó tiếp tục mang lại hiệu quả tốt.
"Tôi vẫn rõ ràng về việc ‘thiết kế toilet đó quá đắt đỏ mà chẳng đi đến đâu, chúng tôi sẽ không rót tiền vào đó’. Cách làm việc như vậy mang lại hiệu quả cho việc lãnh đạo quỹ từ thiện", ông Gates nói.