Bitcoin thất thế, cơ hội tuyển kỹ sư tiền ảo cho các hãng công nghệ
Facebook mới đây chiêu mộ nhiều nhân viên trong đội ngũ phát triển blockchain của startup Chainspace
Cú lao dốc của thị trường tiền ảo đang khiến không ít người mất việc, nhưng cũng tạo ra cơ hội lý tưởng để tuyển dụng chuyên gia về tiền ảo cho các hãng công nghệ lớn.
Nhiều startup blockchain, dù sở hữu đội ngũ kỹ sư tài năng, nhưng giờ đây không còn là "đất dụng võ" cho họ. Chưa kể, các công ty này đang phải vận lộn với chi phí vận hành khi giá các loại tiền ảo sụt mạnh. Nhân viên của các công ty này ngày càng rảnh rỗi và đây là tin tốt đối với những công ty như Facebook.
Mạng xã hội này mới đây xác nhận với CNBC đã chiêu mộ nhiều nhân viên từ startup Chainspace, nhưng không thâu tóm hay mua lại công nghệ của startup này.
Chainspace là startup tiền ảo được thành lập với 2 nhà nghiên cứu Đại học London. Cả hai hiện đều cập nhật là nhân viên của Facebook trên trang LinkedIn. Theo thông tin trên website, startup này tập trung vào việc "trao cho mọi người quyền sở hữu dữ liệu cá nhân của họ" thông qua một dự án có tên "Decode".
Trong một báo cáo gửi khách hàng vào tuần trước, nhà phân tích internet Zachary Schwartzman của RBC Capital Markets LLC nhấn mạnh blockchain là mối đe dọa với Facebook và các hãng công nghệ lớn khác. Internet vẫn đang trong "giai đoạn thai nghén cho sự chuyển đổi lớn về mô hình" sang tính toán trên các blockchain chung, Schwartzman nhận định. Sự thay đổi này "có thể là rủi ro trong dài hạn với mô hình kinh doanh cơ bản của Facebook", ông nói.
Schwartzman cho rằng động thái của Facebook là kiểu thâu tóm phổ biến tại Thung lũng Siliocon, khi một công ty mua lại một công ty khác chỉ để tận dụng nhân tài ở đó.
"Bề ngoài, có vẻ Facebook chủ đích chiêu mộ đội ngũ kỹ thuật liên quan tới Decode. Nhưng tôi tin rằng sự thật không phải thế", Schwartzman nói. "Chúng tôi nhận định đây đơn giản là động thái thâu tóm tuyển dụng (acqui-hire) để tăng cường chuyên môn cho đội ngũ đang làm việc trong lĩnh vực tiền số của Facebook".
Facebook là một trong số nhiều hãng công nghệ đang mở rộng sang blockchain. Amazon, IBM, Microsoft và J. P. Morgan cũng đang xem xét các ứng dụng thực tế của blockchain - công nghệ được những người ủng hộ mô tả là minh bạch và an toàn hơn so với các hệ thống dữ liệu hiện tại.
Theo Satya Bajpai, người đứng đầu phụ trách blochchain và đầu tư tài sản số của JMP Securities, việc chiêu mộ này giúp các hãng công nghệ lớn nhanh chóng có được nhiều chuyên gia về blockchain - những người đã cùng nhau làm việc để tìm ra các ứng dụng thực tế đó.
"Việc này sẽ mất thời gian", Bajpai - chuyên cố vấn cho các công ty blockchain về mua bán sáp nhập, nói. "Nhưng khi công nghệ này phát triển và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, ta sẽ thấy hiệu ứng mạnh mẽ với nhiều thương vụ mua bán sáp nhập và hợp tác hơn".
Cách đây hơn 1 năm, nhiều kỹ sư và doanh nhân đổ xô vào lĩnh vực tiền ảo và blockchain khi giá tiền ảo tăng vọt. Đồng Bitcoin chạm mức giá kỷ lục gần 20.000 USD vào tháng 12/2017. Hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào các công ty này trong năm 2018. Cụ thể, hơn 2,6 tỷ USD đã được đầu tư vào 301 công ty trong lĩnh vực này trong năm ngoái, gấp 3 lần so với năm 2017.
Tuy nhiên, theo Bajpai, hiện không mấy nhà đầu tư muốn rót vốn vào lĩnh vực này, khi đồng Bitcoin đã mất tới 80% giá trị kể từ đó.
Kể cả vào thời hút vốn đỉnh cao, nhiều trong số này vẫn không thể đưa ra được sản phẩm thực sự. Một trong số đó là EOS - công ty huy động được 4 tỷ USD thông qua việc phát hành tiền ảo (ICO) nhưng không hề có sản phẩm nào. Những tiền ảo được phát hành thông qua các ICO phải vật lộn để cạnh tranh với Bitcoin. Vốn hóa của thị trường tiền ảo hiện ở mức khoảng 121 tỷ USD, giảm đáng kể từ hơn 800 tỷ USD lúc cao điểm.