21:37 10/11/2018

Cân đo lợi - hại chính sách kiểm soát sử dụng rượu bia

Nguyễn Lê

Bổ sung quy định người lao động không được uống rượu, bia khi đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc

Năm 2017, Việt Nam sản xuất hơn 4 tỷ lít bia,
Năm 2017, Việt Nam sản xuất hơn 4 tỷ lít bia,

Ước tính ở mức tối thiểu, trong 1 năm nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có uống rượu, bia trong ngày làm việc sẽ lãng phí trên 75 tỷ.

Đó là một trong nhiều thông tin đáng chú ý từ báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Chính phủ trình Quốc hội.

Theo báo cáo này, năm 2017, Việt Nam sản xuất hơn 4 tỷ lít bia, hơn 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 230 - 280 triệu lít rượu thủ công. Và tỷ lệ sử dụng hai thứ đồ uống này ở Việt Nam đang ở mức báo động. Những hậu quả, tác hại do rượu, bia gây ra đang là gánh nặng và thách thức lớn cần phải được giải quyết.

Để đạt được các mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia, dự thảo luật tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn. Một, kiểm soát giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia. Hai, kiểm soát việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia và ba là giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Mỗi nhóm chính sách này sẽ bao gồm các chính sách cụ thể, có chính sách kế thừa và có các chính sách mới được đề xuất.

Chính sách đầu tiên được đánh giá tác động là kiểm soát cụ thể các đối tượng, trường hợp không được uống rượu bia.

Tính toán ba giải pháp để giải quyết vấn đề, cơ quan soạn thảo chọn giải pháp thứ hai.

Giải pháp này tiếp tục kế thừa các quy định cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu, bia khi đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.

 Không quy định cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vì đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ mà chỉ dẫn chiếu đến pháp luật về an toàn giao thông, đồng thời có quy định về chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới để phòng ngừa tai nạn giao thông.

Bổ sung các trường hợp khác không được uống rượu, bia bao gồm người lao động không được uống rượu, bia khi đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.

Giải pháp này quy định kKhông được uống rượu, bia tại địa điểm có quy định cấm bán rượu, bia bao gồm: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp, quyền, nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện giải pháp này và các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông; cùng với kinh phí bảo đảm cho công tác thực thi pháp luật, truyền thông.

Không quy định cấm người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai uống rượu, bia mà chỉ có biện pháp tuyên truyền, vận động các đối tượng này không uống rượu, bia.

Đối với nhà nước thì tác động tích cực của giải pháp này là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc góp phần tăng năng suất, hiệu quả làm việc; phòng ngừa và hạn chế lãng phí ngân sách, thời gian thực thi công vụ, thời gian lao động.

Ước tính ở mức tối thiểu, trong 1 năm nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có uống rượu, bia trong ngày làm việc sẽ lãng phí hoặc ảnh hưởng đến năng suất lao động tương đương với 1 giờ làm việc thì chi phí lãng phí là: 6.534 đồng/1 giờ làm việc (mức lương tối thiểu năm 2015) x 12,1 triệu lao động (số lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2015) = 75 tỷ 431 triệu đồng, cơ quan soạn thảo tính toán.

Tác động tiêu cực là gia tăng chi phí tuyên truyền.

Với người dân, theo đánh giá của Ban soạn thảo thì tác động tích cực là giảm chi tiêu của hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho uống rượu, bia.

Giảm chi phí khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông đối với người uống rượu, bia và cả người không uống nhưng chịu hậu quả của tai nạn giao thông.

Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017) nên nếu thực hiện tốt giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm chi phí lớn cho Nhà nước và người dân.

Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra bằng 2.8% GDP, Ban soạn thảo cung cấp thêm thông tin.

Với doanh nghiệp thì giải pháp nói trên không mang lại lợi ích kinh tế, mặt khác tỷ lệ, mức tiêu thụ rượu, bia trong các đối tượng bị nghiêm cấm, hạn chế giảm thì ngành rượu, bia có thể giảm một phần sản lượng trong thời gian đầu thực hiện quy định.

Tuy nhiên với các chính sách cụ thể về kiểm soát tiêu thụ rượu, bia, Nhà nước tạo môi trường pháp lý ổn định cho doanh nghiệp, minh bạch trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, cơ quan đánh giá tác động nêu.