Cần thêm chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào hàng không
Hiện nay trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp tư nhân có vai trò, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển ngành hàng không nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Ngày 26/7 Hội thảo "Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam" được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết, ngành hàng không đã đóng góp 3% GDP toàn cầu. Cũng trong năm 2014, trên thế giới có 1.400 hãng hàng không, 26.000 máy bay thương mại và thực hiện trên 32 triệu chuyến bay trên toàn cầu.
"Đến năm 2017, ngành hàng không đã tạo ra doanh thu 754 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 34,2 tỷ USD. Trong 20 năm qua, ngành hàng không đã tăng ngoạn mục, tăng đến 16 lần, đặc biệt từ năm 2010 đến nay đã tăng đáng kể. Đặt trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao so với thế giới. Việt Nam có thị trường hàng không năng động, mức tăng trưởng ngành hàng không tương đương với Philipines", ông Du nói.
Cũng theo ông Du, dự báo toàn cầu năm 2036 cho thấy, lượng khách hàng không sẽ tăng gấp đôi, và tăng trưởng năng động nhất trong 20 năm tới là các nước Châu Á - Thái Bình Dương, đạt 2,1 tỷ người, mức tăng 4,6%/năm.
Riêng với Việt Nam, vị chuyên gia này cho biết, đến năm 2034 dự báo tổng dân số là 105 triệu người, GDP bình quân là 18-22 nghìn USD. Nếu trung bình các nước có thu nhập 18-24 nghìn USD thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm. Còn nếu thu nhập tương đương với Thái Lan hiện tại thì khách hàng không có thể lên đến 110 triệu người.
"Ngành hàng không đã tăng trưởng cao trong thời gian qua, nguyên nhân là nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào ngành hàng không, giúp lĩnh vực này phát triển mạnh hơn", ông Du nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Huỳnh Thế Du, ông Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Tp.HCM cũng khẳng định vai trò ngày càng lớn của các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển của ngành hàng không.
Ông Tống cho biết, hiện nay trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế. Cho nên Việt Nam cũng cần có nhiều chính sách để thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
"Chúng ta nên tham khảo chính sách ở Ấn Độ, họ có chủ trương có những sân bay cho 100% tư nhân đầu tư. Trước đây, chúng ta nói hàng không là quốc gia, không có tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều, vì vậy Chính phủ, Quốc hội cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng, chúng ta đang thiếu điều này, để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không mạnh hơn nữa", ông Tống nhận định.
Nhấn mạnh một lần nữa về sức lan tỏa của ngành hàng không, ông Nguyễn Thiện Tống viện dẫn một nghiên cứu, bình quân khách hàng không nội địa hiện nay đang đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, đồng nghĩa 1.000 khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD cho nền kinh tế.
"Còn khách quốc tế đóng góp 500 USD, đồng nghĩa 200 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế, như vậy, tác động lan tỏa của ngành hàng không đến nền kinh tế là rất lớn, đây là điều chúng ta phải lưu ý. Cũng cần phải xác định xem khách quốc tế quan trọng là khách nào? Có người đến Việt Nam để tham dự hội nghị khoa học mang lại chất xám và họ chi tiêu rất nhiều. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thu hút họ thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị", ông Tống nói.
Đặt hàng không trong mối quan hệ với du lịch, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long ví von, hàng không và du lịch là "anh em song sinh", là hai chiếc cánh của một máy bay, cùng đồng hành phát triển.
Ông Long cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển ngành hàng không và du lịch. Đó là lợi thế danh số phát triển nhanh, nền kinh tế, chính trị ổn định, phong cảnh đẹp... sẽ thu hút khách du lịch quốc tế.
"Trong thời gian qua, các phương tiện đường sắt, đường bộ, đường thủy hiện phát triển ì ạch, chỉ có ngành hàng không là phát triển nhanh nhất. Mặc dù hệ lụy của việc tăng trưởng nóng là hạ tầng chưa đáp ứng được nhưng nếu chúng ta biết cải thiện thì sẽ biến thành tiềm năng lớn. Đặc biệt, với một hãng hàng không mới ra đời như Bamboo Airways chẳng hạn, thì phải tìm được thị trường ngách, tìm được con đường ngắn nhất, chi phí hợp lý nhất sẽ mang lại hiệu quả cao", ông Long nói.