08:00 17/10/2023

Chặn đường “né” thuế kinh doanh trực tuyến

Ánh Tuyết

Từ những “ông lớn” kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử đều lo cấp tập chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế “rà” đến tên. Vấn đề là các ngành quản lý thương mại điện tử, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này....

Ngành thuế và các bộ, ngành đang tìm cách tăng thu ngân sách từ lĩnh vực tiềm năng này thông qua chuẩn hóa thông tin trên các sàn, kết nối cơ sở dữ liệu lớn từ bên thứ ba.
Ngành thuế và các bộ, ngành đang tìm cách tăng thu ngân sách từ lĩnh vực tiềm năng này thông qua chuẩn hóa thông tin trên các sàn, kết nối cơ sở dữ liệu lớn từ bên thứ ba.

Suốt thời gian dài, ngành thuế thất thu lớn từ những “ông lớn” Google, Facebook, YouTube… khi số thu thuế nhà thầu thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, không ít cá nhân dễ dàng kiếm tiền nhờ kinh doanh trên mạng lại dễ “qua mặt” cơ quan thuế. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử ngày càng tăng nhanh.

HẾT THỜI KINH DOANH TRỰC TUYẾN LÀ "VÔ HÌNH"

Sau khoảng hơn một năm vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tính từ tháng 3/2022 đến nay, những doanh nghiệp xuyên quốc gia đã tự nguyện đăng ký, nộp thuế, hiện có 67 nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (TQ), Ireland, Lithuania,… với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Meta, Google, Apple, Tiktok, Samsung… thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tiếp qua cổng, với số thuế 5.803 tỷ đồng.

Cổng thông tin thương mại điện tử sau khi vận hành từ 15/12/2022 với 3 kỳ cung cấp thông tin cũng đang “truy quét” khoảng 350 sàn giao dịch thương mại điện tử.

 

Nhờ đó, ngành thuế đang nắm bắt thông tin của hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn với tổng giá trị giao dịch lũy kế là 44,5 nghìn tỷ đồng.

Thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn bao gồm: tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ, ngành hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị giao dịch thông qua sàn…

Đây là những dữ liệu đắt giá để cơ quan thuế có căn cứ tính thuế và quản lý những cá nhân kinh doanh tưởng như dễ dàng ẩn danh trên không gian mạng.

Vì lẽ đó, gần đây, nhiều người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử giục giã, dò hỏi nhau để đi đăng ký thuế trước, tránh trường hợp bị cơ quan thuế mời lên làm việc, truy thu tiền thuế nhiều năm và phạt chậm nộp hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cao hơn số thuế phải nộp.

Pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài. Điều 33 Luật Quản lý thuế số 38 nêu rõ cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn chưa đăng ký thuế. Một người bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho biết năm gần nhất đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, lũy kế 3 năm, doanh thu lên tới 40 tỷ đồng nhưng chưa kê khai, đăng ký thuế.

Theo tính toán, số thuế bị truy thu lên tới 600 triệu đồng khi thu thuế giá trị gia tăng là 1% và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5% tính trên doanh thu. Khoản tiền này còn chưa tính tiền phạt vì đăng ký thuế chậm, xuất sai thời điểm hóa đơn, chậm nộp thuế cộng thêm các tình tiết tăng nặng nếu có.

VÌ SAO "TRẦY TRẬT" QUẢN LÝ THUẾ?

Nhấn mạnh về quy mô và sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực này thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam năm vừa qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 20% và đạt 16,4 tỷ USD, chi tiêu mỗi người dân ở mức 300 USD/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh nên khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề như: hàng giả, hàng nhái và thất thu thuế.

Từ hạ tầng thanh toán, vận chuyển, giao nhận đều thay đổi để đáp ứng các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực này như: dropshipping (mô hình bán hàng không cần lưu trữ hàng hóa), in theo yêu cầu (bán thiết kế theo yêu cầu), tiếp thị liên kết (giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng mới thông qua gửi link)…

Theo ông Tuấn, cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình thương mại điện tử và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ… khi đó, mới có căn cứ tính thuế.

Chỉ rõ những đặc trưng khác biệt so với kinh doanh thương mại truyền thống dẫn đến thách thức cho cơ quan thuế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), nêu rõ thứ nhất, cơ quan thuế gặp khó để quản lý đầy đủ các nguồn thu và các đối tượng kinh doanh không biên giới, không giới hạn về không gian, thời gian...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chặn đường “né” thuế kinh doanh trực tuyến - Ảnh 1