17:10 24/04/2011

Chất lượng người tự ứng cử vào Quốc hội “cao hơn nhiều”

Nguyễn Vũ

Có 15 người tự ứng cử (chiếm tỷ lệ 1,8%) đã lọt vào danh sách chính thức để bầu đại biểu Quốc hội khóa 13

Ông Nguyễn Văn Pha tại buổi tọa đàm - Ảnh: Chinhphu.vn
Ông Nguyễn Văn Pha tại buổi tọa đàm - Ảnh: Chinhphu.vn
Tỷ lệ người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 được giữ lại cao hơn và chất lượng cũng "cao hơn nhiều" so với khóa trước, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ Quốc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Pha cho biết tại cuộc tọa đàm về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và hội đồng nhân cân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, được truyền hình trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 24/4.

Theo thông tin tại đây, thống kê sơ bộ bước đầu, sau hiệp thương vòng ba, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chọn ra 832/1.085 người ứng cử đại biểu Quốc hội để đưa vào danh sách bầu cử chính thức với số dư bầu cử đạt khoảng 1,66 lần.

Ông Pha cho rằng, số dư này ở mức phù hợp khi so sánh với các khóa trước (khóa 12 là 1,76 lần, khóa 11 là 1,52 lần).

Trong số 832 ứng cử viên, có 182 người ở trung ương và 650 ở địa phương. Về cơ bản, số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu sẽ đáp ứng được tiêu chí như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tỷ lệ ứng viên nữ đạt trên 31,37%, ứng viên dân tộc thiểu số là 16,11%, ứng viên ngoài Đảng đạt14,18%,  ứng viên là đại biểu tái ứng cử 21,99%, ứng viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt trên 21,99%.

Đáng chú ý, có 15 người tự ứng cử (chiếm tỷ lệ 1,8%) đã lọt vào danh sách bầu cử chính thức, thấp hơn so với khóa 12 (30 người).

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Pha, so với khóa trước, tỷ lệ người tự ứng cử được giữ lại cao hơn. Khóa 12 có 238 người tự ứng cử được lập danh sách sơ bộ sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 còn 30 người. Lần này, cả nước chỉ có 83 người tự ứng cử sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 thì còn 15 người.

Cũng theo ông Pha thì chất lượng người tự ứng cử khóa 13, “cao hơn nhiều” so với khóa trước.

Từ giữa tháng 4, hội nghị hiệp thương vòng 3 tại các địa phương cũng đã cho biết khá nhiều thông tin về những người tự ứng cử. Theo đó, cả Hà Nội và Tp.HCM đều có 4 người tự ứng cử lọt vào danh sách chính thức để bầu. Còn lại Nghệ An 2 người; các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hưng Yên mỗi tỉnh một người. 11/15 ứng viên tự ứng cử là người ngoài Đảng.

Theo thông tin từ TTTXVN, người tự ứng cử chủ yếu là doanh nhân, trong đó có cả người trẻ tuổi.

Từ 3/5, những người tự ứng cử cũng sẽ được tạo điều kiện để vận động bầu cử bình đẳng với các ứng cử viên khác.

Liên quan đến các hình thức tranh cử, trả lời báo chí ngay sau hội nghị hiệp thương lần 3 ở Trung ương, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên cho rằng có thể được thực hiện hình thức vận động trên Internet.

Trả lời trực tuyến hôm nay, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, theo quy định của pháp luật, được vận động bầu cử bằng 3 hình thức, thông qua tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú; hội nghị cử tri do mặt trận tổ quốc phối hợp với ủy ban nhân dân cùng cấp  tổ chức, phương tiện thông tin đại chúng.

"Nếu Internet được coi là phương tiện thông tin đại chúng thì đấy cũng là kênh có thể được. Tôi cho rằng, mặc dù Internet hiện khá phổ biến nhưng cũng không có nhiều người đọc chương trình hành động của ứng viên trên Internet so với số người dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Tôi cho rằng, tận dụng tối đa các hội nghị cử tri do mặt trận tổ quốc tổ chức là tốt hơn", ông Pha nói.