16:42 25/06/2021

Chất lượng Thông tư, văn bản thấp do 6 cái “kính chuyển”

Hương Loan

Để tra soát, giải quyết một vấn đề ở Việt Nam hiện còn quá nhiều pháp luật, quá nhiều văn bản từ luật đến Nghị định đến Thông tư, các Thông tư bổ sung sửa đổi…

Nhiều doanh nghiệp kêu cứu, kêu oan do việc áp dụng pháp luật, công văn hướng dẫn không nhất quán.
Nhiều doanh nghiệp kêu cứu, kêu oan do việc áp dụng pháp luật, công văn hướng dẫn không nhất quán.

“Chúng tôi nhận được nhiều kêu cứu, kêu oan của doanh nghiệp trong áp dụng pháp luật, công văn hướng dẫn không nhất quán. Có doanh nghiệp 10 năm liên tục gửi rất nhiều công văn tới tận Bộ liên quan yêu cầu giải đáp một số thắc mắc, nhưng vẫn không nhận được phản hồi”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bắt đầu như thế tại hội thảo “Chất lượng của Thông tư và Công văn- Góc nhìn từ doanh nghiệp” diễn ra sáng nay, 25/6.

DOANH NGHIỆP "DỞ KHÓC, DỞ CƯỜI"

Theo ông Tuấn, những năm gần đây, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế, các cơ quan hoạch định chính sách đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản liên quan đến kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy rõ mức độ cải cách ở các văn bản cấp nghị định trở lên.

Tuy nhiên, khi rà soát ở các văn bản cấp thông tư, vẫn còn những quy định chưa thể hiện đúng tinh thần của các cải cách trên.

VCCI nhận được nhiều kêu cứu, kêu oan của doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật, công văn hướng dẫn không nhất quán. Đơn cử, như việc hải quan hướng dẫn mã HS (có thể chưa đúng), doanh nghiệp đã nhập khẩu theo đó mã HS không phải chịu thuế. Nhưng sau 4-5 năm có một cơ quan quản lý nhà nước khác lại cho rằng hướng dẫn đó không đúng, mà mã HS này mới đúng. Và mã HS này phải nộp thuế 5-10%.

 
"Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Bởi nếu là mã HS trước đây thì thuế 0% đã tính vào giá thành và đã bán. Nguy hiểm, nếu áp thuế 10% có thể doanh nghiệp bị hồi tố 5 năm trước, doanh nghiệp phải nộp bù hàng chục tỷ đồng".
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI

Không những thế, theo ông Tuấn, với nhiều Thông tư, văn bản đưa ra, doanh nghiệp đã tìm hiểu chán chê, mất rất nhiều thời gian nhưng không hiểu thực hiện thế nào thì gửi công văn lên các bộ ngành nhờ giải đáp.

Song các văn bản phản hồi của các bộ ngành tới doanh nghiệp hầu như không có nội dung, chỉ trích dẫn một số điều khoản của Luật, Nghị định và đề nghị doanh nghiệp tự tìm hiểu để thực hiện đúng quy định pháp luật.

Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý địa phương cũng gặp phải. Ông Tuấn chia sẻ, đến nhiều tỉnh dự hội thảo, diễn đàn, cuộc họp, có nhiều sở ngành thậm chí UBND tỉnh phản ánh có nhiều vướng mắc, khó khăn trong áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.

Khi đó, phát công văn lên hỏi Bộ, một là mất rất nhiều thời gian để chờ đợi hồi âm, hai là việc trả lời không thể áp dụng được, thậm chí có trường hợp trả lời làm tình hình phức tạp hơn. Đây lại chính là rủi ro thực tế của doanh nghiệp, sở ngành địa phương.

Đặc biệt, có nhiều trường hợp không nhận được trả lời từ Bộ ngành liên quan. Ông Tuấn kể, VCCI nhận được phản ánh của doanh nghiệp cho biết, trong 10 năm họ gửi rất nhiều công văn tới tận Bộ liên quan yêu cầu giải đáp, nhưng vẫn không nhận được phản hồi. Điều này tạo sự tắc nghẽn trên thực tế vì các cơ quan địa phương nếu không nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan họ sẽ không giải quyết.

TƯ DUY CHÍNH SÁCH VẪN THEO LỐI MÒN

Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính, cho rằng nếu nhìn thực trạng ban hành văn bản pháp luật Việt Nam, cái “đau” hiện nay là lợi ích ngành được đặt cao hơn so với lợi ích tổng thể đất nước, của quốc gia và doanh nghiệp.

Đơn cử như Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, giờ có Quy hoạch điện 8, không tính toán được, không dự báo được môi trường phát triển của năng lượng tái tạo đó là mặt trời và điện gió.

Lý do đưa ra là do đường truyền tải không đáp ứng được yêu cầu nên không đấu nối, không mua điện của các doanh nghiệp điện mặt trời nữa, trong khi chúng ta thiếu điện, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và các nước khác. Hậu quả là doanh nghiệp đầu tư tiền và ngân hàng cho vay tiền làm năng lượng tái tạo (105.000 tỷ đồng) chịu thiệt hại.

Bên cạnh đó, tình trạng ngôn ngữ trong văn bản của Thông tư, công văn nhiều khi chung chung, khó thực hiện, hiểu kiểu gì cũng đúng. 

 
"Tư duy chính sách và cách tiếp cận cũng như chất lượng của đội ngũ soạn thảo chính sách của các bộ ngành còn nặng về hành chính, mệnh lệnh, đi theo lối mòn, nhiều bộ ngành chưa theo nguyên tắc thị trường. Tức là không quản được thì chưa cho phép".
Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính

“Chất lượng soạn thảo văn bản của Việt Nam thấp, không đạt yêu cầu là do câu chuyện “kính chuyển” của chúng ta quá nhiều. 6 cái “kính chuyển” mới đến đến người soạn thảo. Bộ trưởng “kính chuyển” Thứ trưởng, Thứ trưởng “kính chuyển” Vụ trưởng, Vụ trưởng “kính chuyển” Vụ phó, Vụ phó “kính chuyển” Trưởng phòng, Trưởng phòng “kính chuyển” Phó phòng, Phó phòng “kính chuyển” chuyên viên.

Trong khi chuyên viên mới ra trường được vài năm, làm sao đảm bảo được chất lượng văn bản? Chuyên viên sẽ copy và dán tất cả những gì cũ vào”, ông Hoè nêu thực trạng.

Nguyên nhân nữa, ông Hoè cho rằng, không có bộ chỉ tiêu KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) cho soạn thảo chính sách. Theo văn bản quy phạm pháp luật, trước khi trình luật có Nghị định chi tiết, trình Nghị định phải có Thông tư hướng dẫn, tuy nhiên tình trạng phải chờ… luôn xảy ra và không theo kịp thị trường. Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp không tiếp cận được và mất nhiều cơ hội.

Do đó, ông Hoè kiến nghị, với cách mạng công nghiệp 4.0 cần có cuộc đổi mới rất lớn về tư duy làm chính sách ở Việt Nam. Nếu không chúng ta vẫn đi theo lối mòn cũ thì không bao giờ đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.

Cần có cuộc đổi mới rất mạnh mẽ về tư duy của những người làm chính sách. Bởi mô hình kinh doanh đã thay đổi, cách kinh doanh thay đổi… Tư duy chính sách phải thay đổi, phải mở, cân bằng giữa lợi ích và rủi ro.

Phải có bộ chỉ tiêu KPI cho các lãnh đạo Bộ cũng như chuyên viên làm chính sách. Ở đó có cả phần thưởng và kỷ luật, xử phạt, đánh vào trách nhiệm của chính họ. Bộ Nội vụ, văn phòng Chính phủ phải kết hợp để đưa ra bộ chỉ tiêu này.

Vì vẫn có hiện tượng một vấn đề nhưng mỗi Bộ quy định một kiểu nên cần tích hợp các chính sách các bộ ngành lại với nhau, đưa ra bộ chuẩn quốc gia áp dụng theo thông lệ quốc tế.

Để tra soát, giải quyết một vấn đề ở Việt Nam hiện còn quá nhiều pháp luật, quá nhiều văn bản từ luật đến Nghị định đến Thông tư, các Thông tư bổ sung sửa đổi… Nên phải thay đổi ngay từ kỹ thuật soạn thảo cũng như cách lưu trữ, sửa đổi văn bản thì mới tạo điều kiện rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.