19:40 13/03/2024

Chạy thử đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội tới cuối tháng 4/2024

Anh Tú

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao được vận hành thử với 57 kịch bản đến cuối tháng 4/2024. Cuối tháng 6/2024 dự kiến hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống và sẵn sàng vận hành thương mại...

Vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách trong khoảng thời gian 7h45’ - 16h45’ hàng ngày từ thứ 2-6.
Vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách trong khoảng thời gian 7h45’ - 16h45’ hàng ngày từ thứ 2-6.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MRB) vừa có văn bản hoả tốc gửi UBND TP. Hà Nội về kế hoạch vận hành đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

BƯỚC CUỐI CÙNG TRƯỚC KHI ĐƯA VÀO VẬN HÀNH

MRB cho biết đến nay, Tư vấn Systra (Pháp) và các nhà thầu hoàn thành các công việc thi công lắp đặt, thử nghiệm và phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) trong đào tạo nhân sự vận hành, bảo trì sẵn sàng cho công tác vận hành thử đoạn trên cao.

Vận hành thử sẽ bắt đầu từ 7h45’ - 16h45’ hàng ngày từ thứ 2-6.

Cụ thể, các công việc xây lắp, lắp đặt và thử nghiệm hệ thống các gói thầu đều đã hoàn thành. Tư vấn Systra đã cấp chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành cho từng gói thầu (TOC).

Về công tác đào tạo vận hành & bảo trì (O&M), hiện nay, tư vấn đã hoàn thành đào tạo cho toàn bộ nhân sự đảm bảo cho công tác vận hành thử. Đối với vận hành thương mại, còn một số vị trí nhân sự nghỉ việc, thai sản, trùng lặp vị trí chức danh theo báo cáo của Hanoi Metro, Ban đang làm việc với tư vấn để có phương án đào tạo bổ sung.

 

Công tác vận hành thử là bước số cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành. Mục tiêu của giai đoạn này là dựa trên vận hành thực tế, thực hiện quy trình toàn diện để xác minh các yếu tố vận hành bao gồm tài liệu, quy trình vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nhân sự vận hành và bảo dưỡng (O&M).

Về quy trình vận hành và bảo trì, Ban tạm chấp thuận phục vụ cho giai đoạn vận hành thử, các quy trình này sẽ được tiếp tục cập nhật hoàn thiện trong quá trình vận hành thử để phê duyệt theo quy định trước khi vận hành thương mại.

Về công tác kiểm đếm tài sản tại hiện trường, Ban MRB, Tư vấn Systra, các nhà thầu, Hanoi Metro và Sở Giao thông vận tải cơ bản thực hiện xong trong tháng 2/2024, sẵn sàng bàn giao theo quy định.

Với công tác chứng nhận an toàn hệ thống, tư vấn kiểm tra, chứng nhận an toàn hệ thống đang phối hợp cùng các nhà thầu, Tư vấn Systra để thực hiện theo đúng kế hoạch. Báo cáo đánh giá an toàn hệ thống đủ điều kiện đưa vào vận hành thương mại sẽ được phát hành sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 15/5/2024.

Về nội dung vận hành thử đoạn trên cao là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại.

"Vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách với mục đích là kiểm tra sự sẵn sàng của toàn bộ hệ thống về phương diện vận hành. Vận hành thử được thực hiện với 57 kịch bản trong vòng 7 tuần bắt đầu từ ngày 11/3/2024 kết thúc vào 26/4/2024", MRB nêu rõ.

Theo đó, các hoạt động vận hành thử đó là: kiểm tra lịch chạy tàu; thử nghiệm các dịch vụ trong điều kiện vận hành danh định và hạn chế; xác minh tính đầy đủ và hiệu quả của các hướng dẫn vận hành và bảo trì cũng như các quy trình khẩn cấp; Đảm bảo rằng các quy trình chăm sóc khách hàng và thương mại được chuẩn bị tốt với đội ngũ nhân viên được đào tạo kỹ lưỡng và trang thiết bị khả dụng và đảm bảo hiệu quả; tích hợp các dịch vụ khẩn cấp và an toàn để chuẩn bị cho vận hành thương mại; cho phép nhân sự vận hành và bảo trì có kinh nghiệm ban đầu trong điều kiện thực tế bằng cách làm quen với thiết bị, để xử lý các chế độ vận hành danh định và chế độ hạn chế.

Đánh giá két quả vận hành thử sẽ do Tư vấn Systra thực hiện dựa trên biểu mẫu đánh giá do Tư vấn Systra lập. Biểu mẫu này bao gồm khoảng 22 tiêu chí về yếu tố kỹ thuật và vận hành để đánh giá.

Một số kịch bản đặc thù về sơ tán hành khách, thoát hiểm trong điều kiện có cháy nổ, cấp cứu người bị thương sẽ được diễn tập trong các tuần cuối của tháng 4/2024 cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng như cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cơ quan y tế.

Ban và Tư vấn Systra đang rà soát, lập chương trình chi tiết phối hợp và sẽ sớm có báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ thực hiện.

VẬN HÀNH 3 GIAI ĐOẠN, CUỐI THÁNG 6/2024 CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN

Giai đoạn vận hành thử được chia ra 03 phần. Giai đoạn 1: các bài thực hành vận hành ở chế độ bình thường; giai đoạn 2: các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế; giai đoạn 3: các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp. 

Quá trình vận hành thử có sự tham gia của: chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Tư vấn Systra và Hanoi Metro với trách nhiệm cụ thể. 

Theo đó, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội tổ chức thực hiện vận hành thử.

Còn Tư vấn Systra xây dựng tài liệu khung cho việc vận hành thử theo yêu cầu của hợp đồng; tổ chức vận hành thử theo yêu cầu của hợp đồng; đảm bảo nhân sự O&M sử dụng thiết bị đúng cách; giám sát, hướng dẫn nhân sự trong quá trình vận hành thử (với các nhân sự đã được Systra đào tạo).

Các nhà thầu cung cấp trang thiết bị, nhân sự phối hợp, sửa chữa nếu có lỗi, bảo dưỡng.

Hanoi Metro cung cấp nhân sự O&M và quản lý nguồn lực O&M trong quá trình vận hành thử.

Được biết, tiến độ tổng thể tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đến nay đạt 77,76% (tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99,65%, đoạn ngầm đạt 37,25%).

Thiết kế kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách. Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.552 hành khách/giờ/hướng.

 

Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống được thực hiện theo các tiêu chuẩn châu Âu và theo yêu cầu của các quy định của Việt Nam. Tư vấn Liên danh Apave – Bureau Veritas – Certifer được lựa chọn và đồng hành cùng Dự án từ quá trình thi công xây dựng sẽ thực hiện công tác đánh giá và thể hiện trong 13 báo cáo đánh giá, kết quả cuối cùng sẽ là Chứng chỉ an toàn hệ thống.

Trên cơ sở các đánh giá, tư vấn sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội sẽ lập hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải để thẩm định.

Đến cuối tháng 6/2024 hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước để bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.