03:00 07/03/2024

Long đong số phận các dự án metro

Ánh Tuyết

Gặp nhiều vướng mắc, bất trắc trong quá trình triển khai nên số phận các dự án metro tại hai “đầu tàu” đất nước đều không thoát khỏi tình trạng long đong khi mất tới 10-15 năm để xây dựng một tuyến metro dài 10-20 km...

Do dự án kéo dài khiến nhiều chi phí phát sinh, cả ba dự án metro triển khai cả nước đều đội vốn “khủng”, cao hơn hàng chục nghìn tỷ đồng, gấp từ 2-2,5 lần so với dự tính ban đầu.
Do dự án kéo dài khiến nhiều chi phí phát sinh, cả ba dự án metro triển khai cả nước đều đội vốn “khủng”, cao hơn hàng chục nghìn tỷ đồng, gấp từ 2-2,5 lần so với dự tính ban đầu.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên đi vào vận hành của cả nước khi được chính thức hoạt động từ ngày 6/11/2021. Kể từ đó đến hết năm 2023, tàu Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách, trung bình mỗi năm có gần 10 triệu lượt khách đi tàu với 3 kỷ lục chuyên chở hành khách được xác lập.

Xét về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị vận hành khai thác tuyến, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm 2023 đạt 254,3 tỷ đồng, hoàn thành gần 50% kế hoạch, lợi nhuận gộp đạt 7 tỷ đồng. Do có khoản thu gần 14,9 tỷ đồng từ việc cho vay và gửi ngân hàng 555 tỷ đồng nên sau khi trừ đi các loại chi phí, Hanoi Metro lãi hơn 8,5 tỷ đồng, vượt 44,6% kế hoạch năm.

METRO HÚT KHÁCH NHƯNG LỖ DÀI

Cần phải nói thêm, về hiệu quả kinh doanh, tuyến metro đầu tiên của cả nước khó cân bằng được thu chi trong vận hành và hàng năm vẫn nhận hàng trăm tỷ đồng trợ giá của ngân sách nhà nước. Năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị chỉ 74 tỷ đồng nhưng tổng doanh thu lên tới gần 520 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp này cũng được TP. Hà Nội trợ giá 417 tỷ đồng, chiếm tới 86% tổng doanh thu, còn hoạt động cung cấp dịch vụ bán vé chỉ đạt gần 66 tỷ đồng. Dù vậy, đặt trong tầm nhìn dài hạn của việc quy hoạch đô thị và lợi ích lớn từ giao thông công cộng, việc vận hành các tuyến metro thực sự đem lại hiệu quả.

Hiện metro Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh được tính ưu việt của một phương thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại, có sức chở lớn, tốc độ nhanh trên những trục giao thông lưu lượng lớn thường xuyên tắc nghẽn. Nhờ tiết kiệm thời gian lưu thông và thoát khỏi ám ảnh những tuyến đường Hà Nội ken đặc người, ùn tắc kéo dài, đông đảo người dân Thủ đô dần thay đổi thói quen tham gia giao thông và lựa chọn tuyến tàu điện này trở thành phương tiện đi lại thường xuyên.

Lãnh đạo Hanoi Metro đánh giá hiện lượng khách đi trải nghiệm tàu đã giảm, thay vào đó là lượng khách có nhu cầu đi tàu thực sự và thường xuyên là người đi học, đi làm.

Theo nhìn nhận của ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị sẽ tạo ra các cơ hội thực hiện phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, văn minh và phát triển bền vững, giảm thiểu ách tắc giao thông và cải thiện môi trường. Mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị còn kết nối với nhau và với các loại hình giao thông vận tải công cộng khác.

Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô được nêu rõ tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 8 tuyến có tổng chiều dài 413 km. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành khai thác, các tuyến khác vẫn đang trong quá trình triển khai nhưng không tiến triển nhanh như kỳ vọng.

Về tiến độ dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tuyến metro khởi công tháng 9/2010, từng dự kiến hoàn thành năm 2016 nhưng lùi tiến độ nhiều lần sang năm 2027. Tuyến dài 12,5 km, trong đó, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - Ga Hà Nội dài 4 km, gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.

ĐIỆP KHÚC ĐỘI VỐN, TRỄ HẸN

Do dự án kéo dài, phát sinh chi phí nên tổng mức đầu tư dự án “đội” từ 18.000 tỷ đồng lên 34.532 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 1/2024, tiến độ tổng thể tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đạt 77,76%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99,65%.

Còn đoạn ngầm sau gần 14 năm vẫn thi công ì ạch, mới đạt 37,25% khiến người dân xung quanh công trường khốn khổ. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, tại đoạn Kim Mã, con đường kinh doanh nhộn nhịp bậc nhất Thủ đô, công trường thi công ga ngầm S9 vẫn ngổn ngang. Phần lớn phần đường bị rào chắn chỉ để lại đoạn hẹp, mặt đường nhiều đoạn bị sụt lún, nứt vỡ, khiến các phương tiện di chuyển vào trung tâm thành phố rất khó khăn.

Vướng mắc kéo dài với nhà thầu khiến thi công cầm chừng, nhiều cửa hàng cửa đóng then cài, chủ nhà thở dài ngao ngán vì treo biển cho thuê nhiều tháng nhưng không có khách hỏi. Điều người dân bức xúc là dự án liên tục lỡ hẹn, nhiều lúc dừng thi công khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng kéo dài.

Với đoạn hè phố Trần Hưng Đạo, đoạn từ cổng Bệnh viện Tim đến Phan Bội Châu, công trường thi công ga ngầm S12 thậm chí chiếm dụng gần hết lòng đường, chỉ còn lối đi hẹp đủ một xe máy lách qua.

Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết sẽ hoàn thành công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào cuối tháng 4/2024; đến cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước để bàn giao cho Hanoi Metro đưa vào vận hành thương mại. Doanh nghiệp này cũng đang tuyển dụng khoảng 450 nhân sự để sẵn sàng vận hành đoạn trên cao ngay trong năm 2024.

Với tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ngày 10/1/2024, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bao gồm: tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi); tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai); tuyến số 3.2 (Ga Hà Nội đến Hoàng Mai); tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) và tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi).

Các dự án metro đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM - VnEconomy tổng hợp.
Các dự án metro đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM - VnEconomy tổng hợp.

Còn tại TP.HCM, theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm: 8 tuyến đường sắt đô thị; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM là 172,6 km, chưa tính đến kéo dài đi Đồng Nai/Bình Dương, với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD.

Hiện tại TP.HCM cũng chỉ có tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km đang được triển khai và dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024. Dự án này được phê duyệt năm 2008 và chính thức được khởi công xây dựng tháng 8/2012, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018; nhưng qua 16 năm thực hiện, 12 năm triển khai, dự án cũng lâm vào tình trạng trễ hẹn, liên tục xin lùi thời hạn hoàn thành. Dự án cũng đội vốn khủng từ 17.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với ban đầu.

Nêu rõ vướng mắc các dự án xây dựng metro phải đối mặt, ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, cho biết do đường sắt đô thị là hệ thống phức tạp, liên quan đến rất nhiều chuyên ngành, khối lượng các tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị rất lớn, trong khi đó nguồn lực cả về nhân lực và kinh phí đều hạn chế nên kết quả công tác xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đường sắt đô thị còn vướng mắc...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2024 phát hành ngày 04/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Long đong số phận các dự án metro - Ảnh 1