11:29 01/11/2023

Đến năm 2030, khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xây dựng 50% tổng chiều dài tuyến metro

Anh Tú

Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ưu tiên đầu tư trước hai đoạn là Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang; đồng thời, đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài tuyến metro tại hai thành phố "đầu tàu" cả nước...

Ưu tiên ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao.
Ưu tiên ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

ƯU TIÊN CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài dự kiến là 1.545 km. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh dài 281 km, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang dài 370 km.

Đến năm 2045 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Danh mục các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt.
Danh mục các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia hiện có đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025.

Đến năm 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu sẽ phấn đấu khởi công hàng loạt tuyến đường sắt kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, Thủ Thiêm - Long Thành, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Với đường sắt đô thị, “phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài đường sắt đô thị được quy hoạch tại hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời triển khai quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu huy động nguồn vốn đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị lớn có quy mô dân số trên 1 triệu dân”, Chính phủ đề ra mục tiêu.

Khi đó, vào năm 2035 sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035; phấn đấu hoàn thành một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị có quy mô dân số trên 01 triệu dân.

ƯU TIÊN QUỸ ĐẤT, THÍ ĐIỂM NHIỀU CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra nhiều cách thức huy động nguồn lực. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, chính sách, từ năm 2024-2026, Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút đầu tư.

Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm ưu tiên đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn nhà nước hợp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, nhất là mục tiêu triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt

 

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP, cho phép áp dụng loại hợp đồng BT, ưu đãi, bảo đảm đầu tư chia sẻ rủi ro phù hợp) để thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư từng dự án cụ thể.

Ưu tiên dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, khu chức năng (mô hình TOD) và sử dụng nguồn thu từ phát triển đô thị để tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Cùng với đó, sẽ tập trung xây dựng phương án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn vay ưu đãi, phát hành trái phiếu trong nước, quốc tế để đầu tư các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Song song là kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải như: kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…

Ngoài ra, lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống du lịch gắn kết với quy hoạch mạng lưới đường sắt, liên kết các chuỗi đô thị bằng hệ thống đường sắt hiện đại; phát triển mạng lưới đường sắt trong quy hoạch vùng nhằm kết nối vùng, liên vùng và các địa phương...