09:31 23/05/2007

Chiến lược thay đổi chất cho dệt may Việt Nam

Nguyễn Hoài

Nếu chỉ tính riêng mặt hàng may mặc, trong khi kim ngạch xuất khẩu hơn 5,2 tỷ USD thì tiêu thụ nội địa chỉ đạt 1,8 tỷ USD

Bấy lâu nay, ngành dệt may đang "đi trên đôi chân của người khác".
Bấy lâu nay, ngành dệt may đang "đi trên đôi chân của người khác".
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam mỗi năm đạt gần 6 tỷ USD nhưng lợi nhuận trong đó rất ít, chủ yếu từ gia công. Nguyên nhân chủ yếu là nguyên liệu đầu vào, mẫu mã thiết kế và cả thị trường phân phối đều do nước ngoài quyết định.

Sáng 22/5, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức họp báo, công bố chiến lược phát triển nhằm thay đổi chất cho ngành này. Trong đó, đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 - 12 tỷ USD vào 2010.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), toàn ngành dệt may hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp (doanh nghiệp). Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 0,5%, FDI chiếm 25% và phần lớn là doanh nghiệp tư nhân và công ty c phần.

Tính đến 2006, năng lực sản xuất toàn ngành về nguyên liệu: xơ bông 10.000 tấn/năm (5% nhu cầu); xơ sợi tổng hợp: 50.000 tấn (30% nhu cầu), sợi xơ ngắn: 260.000 tấn (60% nhu cầu). Đối với sản xuất dệt nhuộm: vải dệt kim 150.000 tấn (60% nhu cầu); dệt thoi 680 triệu m2 (30% nhu cầu). Sản xuất hàng may mặc mỗi năm khoảng 1,8 tỷ sản phẩm và 65% trong số này phục vụ xuất khẩu.

Về năng lực xuất khẩu, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas cho biết: sản lượng xuất khẩu tăng trưởng bình quân 20% trong những năm gần đây. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,834 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 20,5% so với 2005. Trong đó, thị trường Mỹ đạt khoảng 3,044 tỷ (chiếm 55%), EU: 1,243 tỷ (20%); Nhật: 628 triệu USD (11%); ASEAN: 107 triệu USD (2%)...Báo cáo cũng cho biết, thị trường nội địa đối với hàng may mặc ước tính chỉ chiếm 7% tổng mức bán lẻ, đạt 1,8 tỷ USD.

Từ số liệu trên, có thể thấy lâu nay, ngành dệt may đang "đi trên đôi chân của người khác". Bởi lẽ, 95% nhu cầu xơ bông, 70% nhu cầu sợi tổng hợp, 40% nhu cầu sợi xơ ngắn, 40% nhu cầu vài dệt kim và 60% nhu cầu vải dệt thoi cho cả một ngành công nghiệp hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Còn nếu xét về cơ cấu thị trường, nếu chỉ tính riêng mặt hàng may mặc, trong khi kim ngạch xuất khẩu hơn 5,2 tỷ USD thì tiêu thụ nội địa chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Con số này cho thấy thị trường nội địa bị yếu thế so với xuất khẩu và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi xuất khẩu gặp khó khăn.

Một bất cập nữa là ngành dệt may lâu nay chưa có sự khép kín quy trình sản xuất công nghiệp bao gồm từ sản xuất thượng nguồn (nguyên liệu đầu vào) đến mẫu mã thiết kế, sản xuất thành phẩm quy mô công nghiệp, kênh phân phối và xây dựng thương hiệu. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chỉ bán cho các nhà buôn lớn ở nước ngoài nhưng chính những nhà buôn này lại không hề chia sẻ một chút rủi ro nào từ các tranh chấp pháp lý như kiện bán phá giá, áp đặt hạn ngạch hay gần đây nhất là cơ chế giám sát khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Ông Lê Quốc Ân nói: "Theo chiến lược phát triển toàn ngành đến 2010, chúng tôi đặt ra mục tiêu doanh thu là 13 - 15 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 12 tỷ USD. Muốn làm được điều này, ngành dệt may phải nâng cao một bước về chất lượng phát triển với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa 50% và tăng 50% giá trị gia tăng trong sản phẩm".Vậy, để hiện thực hóa con số trên, ngành dệt may phải làm gì?

Ông Ân cho rằng, để "phá thế" gia công hiện nay, không còn cách nào khác là toàn ngành phải thực hiện chu trình khép kín: "Thời trang - công nghệ - thương hiệu". Theo đó, ngành sẽ thực hiện khoảng 8 chương trình trọng điểm từ nay đến 2010, bao gồm: chương trình đầu tư sản xuất nguyên liệu sản xuất xơ sợi tổng hợp cho nhu cầu dệt và sản xuất bông xơ nội địa đáp ứng 15% nhu cầu kéo sợi đến 2010; đầu tư phát triển 1 tỷ mét vải thoi phục vụ xuất khẩu vào 2015; nâng cao chất lượng ngành dệt; đầu tư hạ tầng, xây dựng 3 khu công nghiệp dệt nhuộm có hạ tầng cấp nước sạch và xử lý nước thải để thu hút đầu tư; chương trình nhanh chóng thời trang hóa ngành dệt may.

Mục tiêu của chương trình này là phát triển đội ngũ thiết kế thời trang cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất thương mại sản phẩm thời trang và xây dựng hình ảnh ngành thời trang Việt Nam, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.

Tiếp đó, ngành cũng dự kiến xây dựng 2 tổ hợp thương mại - văn hóa - du lịch - thời trang tại Hà Nội và Tp.HCM; xây dựng 3 trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu dệt may tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng kết hợp với việc di dời sản xuất về các vùng phụ cận của 3 trung tâm trên.

Để làm được điều này, Vitas đã kiến nghị lên Chính phủ một số giải pháp: tăng cường khuyến khích đầu tư và kêu gọi đầu tư FDI vào các lĩnh vực xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và sản xuất phụ liệu nhằm cung cấp kịp thời cho may mặc xuất khẩu. Thứ hai, có chính sách hỗ trợ di dời các xí nghiệp của ngành khỏi trung tâm thành phố về các vùng nông thôn để cân đối nhân lực giữa vùng này với các khu công nghiệp.

Và thứ ba, hỗ trợ ban đầu hoặc một phần cho xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế để cập nhật cho cán bộ quản lý, kinh doanh về kiến thức hội nhập quốc tế, tranh chấp quốc tế, đào tạo thiết kế thời trang, phát triển sản phẩm áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong kinh doanh hàng dệt may.