18:17 01/08/2023

Chính phủ yêu cầu quy định cụ thể các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng VAT 0%

Kỳ Phong

Để hỗ trợ xuất khẩu, Chính phủ yêu cầu cơ quan soạn thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) kế thừa quy định hiện hành về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu và quy định cụ thể các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%….

Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào tháng 5 năm 2024.
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào tháng 5 năm 2024.

Theo Nghị quyết phiên họp xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Chính phủ cơ bản thống nhất với 5 nhóm chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng - VAT (sửa đổi), bao gồm hoàn thiện cád quy định về (1) đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; (2) giá tính thuế giá trị gia tăng; (3)  thuế suất thuế giá trị gia tăng; (4) khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; (5) hoàn thuế giá trị gia tăng. 

Chính phủ giao Bộ Tài chính  nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) để thu hẹp hơn nữa phạm vi áp dụng nhằm bảo đảm tính liên hoàn của sắc thuế này, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế. 

 

Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024). 

Đối với một số giải pháp sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (như ban hành Danh mục về sản phẩm tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu; tỷ lệ nguồn vốn khác trong hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân; hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích...) cần bổ sung cơ sở thuyết phục; giải pháp đề xuất bảo đảm minh bạch, khả thi, quản lý thu thuế được chặt chẽ. 

Nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá tính thuế và khấu trừ thuế giá trị gia tăng (như giá đất được trừ, định mức đối với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...) trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý, thống nhất với các luật chuyên ngành liên quan, bảo đảm tính ổn định của Luật. 

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo hướng giữ mức thuế suất theo quy định hiện hành; tiếp tục nghiên cứu thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 5% nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các hoạt động kinh doanh, minh bạch. Kế thừa quy định hiện hành về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu và quy định cụ thể các trường hợp dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. 

Nghiên cứu chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để có đề xuất giải pháp phù hợp, bảo đảm nguyên tắc xử lý thống nhất về khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng, phù hợp với pháp luật có liên quan (như quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư...).

Tiếp tục rà soát quy định về hoàn thuế tại Luật thuế giá trị gia tăng cùng với rà soát quy định về thủ tục, hồ sơ hoàn thuế tại pháp luật về quản lý thuế, trường hợp cần thiết, kịp thời có giải pháp sửa đổi pháp luật về quản lý thuế phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, rõ ràng về trách nhiệm và xử lý vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. 

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ/ngành liên quan bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023.

Cho phép xây dựng các dự thảo Nghị quyết nếu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2023).