11:04 20/10/2020

Cho vay theo Nghị định 67: Dư nợ giảm nhẹ, nợ xấu vụt tăng

Đào Hưng

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 giảm 92 tỷ đồng nhưng nợ xấu tăng 328 tỷ đồng

Gian nan xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định 67.
Gian nan xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định 67.

Bằng việc tích cực tham gia cho vay theo Nghị định 67, các ngân hàng đã thực hiện tốt mục tiêu có trách nhiệm với đất nước. Thế nhưng về mục tiêu sinh lời thì không được như ý muốn.

DƯ NỢ GIẢM 1%, NỢ XẤU TĂNG 9,3%

Cách đây hơn 6 năm, Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời. Kể từ khi nghị định được ban hành, đây vẫn luôn được đánh giá là chính sách toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo đà phát triển đối với ngành thủy sản.

Số liệu được công bố từ khi Nghị định 67 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017  (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu.

Bằng việc tham gia tích cực, các ngân hàng đã thực hiện tốt mục tiêu có trách nhiệm với đất nước thông qua cam kết cho vay hơn 11.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực ngân hàng, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 đến cuối quý 2/2020 đạt 9.936 tỷ đồng; nợ xấu hiện nay chiếm 38,83%, tương đương 3.858 tỷ đồng.

Cũng tại một báo cáo khác nhưng của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, dư nợ theo Nghị định 67 tính đến cuối năm 2019 đạt 10.028 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 35,2%, tương ứng 3.530 tỷ đồng.

Như vậy, không tính thời gian trước, chỉ xét riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ cho vay theo nghị định trên mới giảm 1% nhưng nợ xấu tăng tới 9,3%. Theo số tuyệt đối, dư nợ giảm 92 tỷ đồng, nợ xấu tăng 328 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ giải trình, nợ xấu phát sinh do cả nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến như dân không trả được nợ vay và nguyên nhân chủ quan do chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp, khách hàng không mua bảo hiểm theo quy định, công tác xác nhận thiệt hại chậm trễ; quá trình giải quyết bồi thường bảo hiểm nhiều tranh chấp.

LOAY HOAY GỠ KHÓ

Để giải quyết vấn đề nợ xấu ngày càng gia tăng, hầu hết các ngân hàng đều phải thỏa thuận với các chủ tàu để bàn các phương án như cơ cấu nợ, chuyển nhượng hay chuyển đổi tàu.

Đến nay, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 299 khách hàng với số tiền 1.396,84 tỷ đồng. Song, lượng tín dụng được cơ cấu lại mới chỉ chiếm 14% tổng dư nợ. Thậm chí, do chỉ được cơ cấu lại thời gian nên khi đến hạn mới, các khoản vay này vẫn có khả năng biến thành nợ xấu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau đối với 29 khách hàng với dư nợ 291,7 tỷ đồng.

Đối với tình trạng chủ tàu cố tình không trả nợ, một số ngân hàng đã buộc phải gửi đơn khởi kiện nhiều chủ tàu tới Tòa án các địa phương. Tuy nhiên, việc khởi kiện của ngân hàng không mang lại lợi ích cho cả hai phía. Thời gian kiện tụng kéo dài do thủ tục, khi Ngân hàng thắng kiện thì cũng chỉ thu hồi lại những tàu không còn nhiều giá trị, khó thanh lý. Người dân thì thêm hoang mang, sợ hãi khi bị dính vào pháp lý, không tập trung làm ăn tiếp.

Do đó, để tháo khó cho cả hai phía ngân hàng và người dân, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước ban hành các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển và các Ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cho ngư dân.

Với những trường hợp không còn đủ năng lực thực hiện dự án các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND các tỉnh, thành phố ven biển. Hiện có 11 trường hợp chủ tàu đã được chuyển đổi, với dư nợ gần 60 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính kịp thời rà soát, xử lý các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách. Các Sở, ngành địa phương hỗ trợ ngành Ngân hàng trong việc quản lý dòng tiền, thu hồi nợ vay; quản lý, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; bồi hoàn bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.

Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu mối nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 67. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến ngành ngân hàng tại Nghị định 67.