15:49 21/05/2007

Chủ tịch bị “hạ bệ”, WB cần liều thuốc cải cách

Trung Việt

Bên cạnh việc phải tìm một vị chủ tịch mới, WB cũng đang đứng trước yêu cầu cải cách mạnh mẽ để khắc phục những bất ổn

Chính phủ các nước châu Âu từ lâu vẫn nghi ngờ khả năng điều hành công việc chuyên môn của Chủ tịch WB.
Chính phủ các nước châu Âu từ lâu vẫn nghi ngờ khả năng điều hành công việc chuyên môn của Chủ tịch WB.
Sau cuộc họp kéo dài với Ban giám đốc điều hành của Ngân hàng thế giới (WB), hôm 17/5, Chủ tịch WB P. Wolfowitz thông báo ông sẽ từ chức vào ngày 30/6 tới.

Bên cạnh việc phải tìm một vị chủ tịch mới, WB cũng đang đứng trước yêu cầu cải cách mạnh mẽ để khắc phục những bất ổn về cơ cấu quản lý, việc sử dụng nguồn vốn viện trợ cho những nước nghèo.

Ông Paul Wolfowitz từ chức chủ yếu do vụ bê bối tăng lương cho bạn gái gây nhiều tranh cãi gay gắt gần đây. Theo báo cáo của Ban điều tra WB công bố tuần trước, ông P.Wolfowitz đã vi phạm quy tắc đạo đức và tạo ra sự xung đột lợi ích trong WB sau vụ việc tăng lương cho bà Shaha Riza, cựu nhân viên WB.

Paul Wolfowitz chưa “tâm phục khẩu phục”

Trước sức ép của dư luận bên ngoài và nội bộ ban lãnh đạo WB, ông Wolfowitz đã buộc phải từ chức. Ông nói: “Tôi thông báo rằng tôi sẽ từ chức Chủ tịch WB vào cuối năm tài chính này, đó là vào ngày 30/6/2007”. Ban giám đốc điều hành WB gồm 24 thành viên đã thông báo ngân hàng này chấp nhận quyết định từ chức của ông P.Wolfowitz. Trong lịch sử 60 năm qua của WB, đây là trường hợp đầu tiên Ban Giám đốc WB “cách chức” vị Chủ tịch của ngân hàng này, người mà theo thông lệ được Tổng thống Mỹ-đại diện cổ đông lớn nhất của WB-lựa chọn.

WB cho biết, ngân hàng này sẽ bắt đầu tìm kiếm ngay người kế nhiệm ông P. Wolfowitz. Theo hợp đồng ký giữa ông Wolfowitz và WB, ông này sẽ nhận được 1 năm tiền lương trong trường hợp ông từ chức hoặc bị cách chức nếu đã làm việc 1 năm cho ngân hàng.

Ngay sau khi Ban Điều tra WB công bố bản báo cáo về Chủ tịch WB, ông P. Wolfowitz nói: “Bản báo cáo này là hoàn toàn không công bằng và không có cơ sở để xác định rằng tôi dính líu tới một cuộc xung đột lợi ích bởi vì tôi dựa vào lời khuyên của ủy ban đạo đức như những gì tôi hiểu”. Ông P.Wolfowitz nói, quyết định từ chức của ông là “vì những lợi ích tốt nhất” của WB.

Tuy thừa nhận đã mắc sai lầm trong việc tăng lương cho bạn gái, nhưng ông P.Wolfowitz nói rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ và Ban Giám đốc điều hành WB (trong đó có đại diện các nước Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức) đáng lẽ phải dành cho ông quyền kháng nghị. Trong một tuyên bố, Ban giám đốc điều hành WB cho biết họ chấp nhận những lời bảo đảm của ông P. Wolfowitz. Nhưng họ khẳng định trong vụ việc tăng lương cho bà S.Riza đã “có một số sai lầm”.

Wolfowitz năm nay 63 tuổi, nhậm chức Chủ tịch WB vào ngày 1/6/2005 với nhiệm kỳ 5 năm, ông đã đề xuất để bạn gái của ông là bà S.Riza được điều sang làm việc cho Bộ ngoại giao Mỹ nhằm tránh xung đột lợi ích và để bà S.Riza được trả lương và thăng tiến phù hợp với những khả năng của bà trong WB. WB đã chấp nhận đề xuất này. Nhưng lương của bà đã nhanh chóng tăng vọt lên mức khoảng 193 nghìn USD, nhiều hơn cả mức lương 186 nghìn USD trước thuế của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice. Từ đó, WB đã điều tra về vai trò của ông D.Wolfowitz trong vụ tăng lương này.

WB cần một liều thuốc cải cách

Theo một thông lệ bất thành văn từ sau thời hậu chiến, Chủ tịch WB luôn là người được Tổng thống Mỹ chọn, với tư cách đại diện cho quốc gia đóng góp nhiều vốn nhất cho WB và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ do một người châu Âu nắm giữ. Vì vậy, việc Wolfowitz ra đi cũng làm dấy lên lo ngại là các nước châu Âu có thể đối mặt với việc mất quyền kiểm soát IMF. Bởi nếu WB không phải do một người Mỹ đứng đầu, thì chức Giám đốc IMF cũng không thể do một người châu Âu nắm giữ.

Nhà Trắng đã bênh vực cho ông P.Wolfowitz đến phút chót. Tổng thống Mỹ Bush hôm 17/5 tuyên bố, ông thấy tiếc vì tình hình hiện nay. Nhưng ảnh hưởng của Mỹ không đủ mạnh để giúp ông Wolfowitz giữ ghế Chủ tịch WB trước những đợt công kích của châu Âu. Chính phủ các nước châu Âu từ lâu vẫn nghi ngờ khả năng điều hành công việc chuyên môn của Chủ tịch WB.

Chính Chủ tịch Wolfowitz là người đưa ra khẩu hiệu "quản trị tốt và chống tham nhũng" như là điều kiện cần để được nhận vốn vay của WB. Từ khi ông nhậm chức, WB đã cắt, giảm tài trợ cho một loạt quốc gia như Congo Bradavin, Uzbekstan, Ấn Độ... với lý do tham nhũng. Trong khi đó, chiến lược chống tham nhũng này của ông đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước do lo ngại có thể làm giảm nguồn viện trợ cho các nước nghèo. Các nước châu Âu cho rằng, thay vì cắt khoản vay để ép các chính phủ hành động chống lại tham nhũng, WB nên làm việc với chính phủ để bảo đảm người nghèo vẫn được hưởng lợi từ các dự án của WB. Bên cạnh đó còn có những lời chỉ trích trong nội bộ WB rằng, quan điểm gắn điều kiện dân chủ, nhân quyền với tài trợ của ông Wolfowitz cũng đi ngược lại truyền thống tự nhận "phi chính trị" của WB.

Những bê bối chung quanh vụ Wolfowitz cho thấy những bất ổn không chỉ trong ban lãnh đạo mà cả về cơ cấu quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ của WB cho những nước nghèo. Việc tiến hành cải tổ tổ chức tài chính toàn cầu đã tồn tại 6 thập kỷ này là thực sự cần thiết.