Chứng khoán KIS: Kịch bản tăng giá được xác nhận, VN-Index tiến thẳng đến 1.340 điểm vào cuối năm?
Dựa trên các điều kiện hiện tại, kịch bản tăng giá đã có thể được xác nhận. Mục tiêu nửa cuối năm là vùng 1.260-1.340 điểm.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023, Chứng khoán KIS xác nhận xu hướng tăng trung hạn. Chỉ số VN-Index dao động trong biên độ hẹp từ 1.020 đến 1.080 điểm từ tháng 1, cho thấy một giai đoạn tích lũy hoặc mẫu hình chữ nhật.
Cũng theo phân tích của Chứng khoán KIS, chứng khoán bắt đầu chu kỳ 3 năm thứ 8. Chu kỳ 3 năm thứ 7 của VN-Index đã được phân tích với 2 kịch bản có thể xảy ra: Kịch bản tăng giá và Kịch bản giảm giá.
Trong kịch bản tăng giá, dự báo chỉ ra rằng đáy của chu kỳ 3 năm thứ 7 được hình thành vào T11/22. Điều này chỉ ra một xu hướng tăng mạnh sẽ xuất hiện trong nửa sau năm 2023.
Tuy nhiên, đáy của chu kỳ 3 năm thứ 7 trong kịch bản giảm giá vẫn chưa được thiết lập. Dự kiến nó sẽ xuất hiện trong giai đoạn từ T5/2023 đến T9/2023, dựa trên đáy của chu kỳ 1 năm trước đó vào T7/22. Vùng mục tiêu cho đáy chu kỳ 1 năm tiếp theo được dự đoán sẽ nằm trong khoảng 780-910 điểm.
Dù vậy, dựa trên các điều kiện hiện tại, kịch bản tăng giá đã có thể được xác nhận. Mục tiêu nửa cuối năm là vùng 1.260-1.340 điểm.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong nữa cuối năm 2023 như Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể đạt được mức tăng GDP tiềm năng là 5.5%.
Cụ thể những biện pháp này bao gồm: Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc tăng cường đẩy mạnh đầu tư công. Điều này đã dẫn đến mức vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 20%. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt hơn bằng cách giảm lãi suất điều hành. Điều này đã dẫn đến lãi suất cho vay cũng giảm theo.
Du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, với sự gia tăng đáng kể về lượng khách nước ngoài, đặc biệt là đến từ Trung Quốc. Cụ thể trong 6T23, số lượng khách ngoại quốc ghi nhận tăng gấp 13 lần. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã trở lại Việt Nam, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế của đất nước đã tăng lên.
Các cơ hội đầu tư dần xuất hiện từ Q2/23 ở toàn thị trường, được hỗ trợ bởi các nhân tố vĩ mô và sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Trong đó, cơ hội đến từ các ngành Điện, Nông nghiệp, Thủy sản được hỗ trợ bởi chủ đề El-Nino và tiêu dùng Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngành Đá cũng mang đến sự lựa chọn sinh lời từ Q3/23 cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm chủ đề Đầu tư công.
Mặt khác, ngành ngân hàng và nhà ở cùng với các loại vật liệu xây dựng khác (thép, xi măng) chưa thật sự phù hợp với các nhà đầu tư cơ bản do các tín hiệu chuyển đổi thực sự vẫn được rõ ràng.
Áp lực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên hệ thống tài chính trong thời gian tới. Theo đó, tuy thanh khoản của thị trường đã có sự cải thiện nhẹ vào T3/23, nhưng khối lượng phát hành vẫn còn thấp với giá trị phát hành chỉ vỏn vẹn 27.000 tỷ đồng.
Tình hình còn trở nên khó khăn hơn khi một số lượng đáng kể trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 8. Cụ thể, dự kiến sẽ có khoảng 35.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 6; 42.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 và 40.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 8.
Với mức thanh khoản hạn chế kể từ tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.
Bất động sản là ngành sẽ chịu áp lực tài chính lớn nhất do giá trị trái phiếu đáo hạn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số trái phiếu sắp đáo hạn. Cụ thể, chỉ tính riêng ngành Bất động sản, giá trị trái phiếu đáo hạn trong 7 tháng cuối năm đạt 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 44.4% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.