Chứng khoán Mỹ bán tháo vì nỗi lo lãi suất cao hơn lâu hơn, giá dầu tăng do bất ổn Trung Đông, bitcoin lao dốc
Sự “cứng đầu” của lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất là thủ phạm chính gây ra sự bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall trong tuần này...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/4), khi mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn và căng thẳng địa chính trị phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Tiền ảo cũng bị bán tháo cùng cổ phiếu, trong khi giá dầu thô đi lên sau khi có tin Israel đang chuẩn bị cho khả năng hứng một cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào cuối tuần này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 475,84 điểm, tương đương giảm 1,24%, còn 37.983,24 điểm. Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 1,46%, còn 5.123,41 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,62%, còn 16.175,09 điểm.
Vào thời điểm chạm đáy của phiên, Dow Jones mất gần 582 điểm, tương đương giảm 1,51%, trong khi S&P 500 giảm tới 1,75%.
Sự “cứng đầu” của lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất là thủ phạm chính gây ra sự bán tháo cổ phiếu ở Phố Wall trong tuần này. Cả tuần, S&P 500 mất 1,56% điểm số, trong khi Dow Jones giảm 2,37% và Nasdaq trượt 0,45%.
Một trong những nhóm cổ phiếu bị bán nhiều nhất trong phiên ngày thứ Sáu là cổ phiếu ngân hàng. Các nhà băng lớn đã khởi động mùa báo cáo tài chính quý 1/2024, mang đến một vài con số và thông tin khiến nhà đầu tư thất vọng.
Cổ phiếu JPMorgan Chase giảm hơn 6% sau khi ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản cho biết lợi nhuận ròng cả năm nay có thể sẽ không đạt kỳ vọng của Phố Wall. Cùng với đó, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cũng cảnh báo về áp lực dai dẳng của lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế.
Cổ phiếu Wells Fargo giảm 0,4% sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý. Một ngân hàng lớn khác là Citigroup cũng chứng kiến giá cổ phiếu giảm 1,7% dù đạt doanh thu tốt hơn dự báo.
Giá dầu thô đi lên do khả năng Iran sẽ tấn công Israel vào cuối tuần này nhằm trả đũa việc lãnh sự quán Iran bị Israel không kích cách đây gần 2 tuần. Nếu xảy ra một cuộc tấn công như vậy, đây sẽ là sự leo thang mạnh mẽ nhất của căng thẳng ở Trung Đông kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,71 USD/thùng, chốt ở mức 90,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,64 USD/thùng, chốt ở 85,66 USD/thùng.
Trong tuần này, giá dầu có lúc đạt mức gần cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mối lo về lãi suất cao cũng gây áp lực giảm lên giá dầu, khiến giá dầu Brent giảm 0,8% nếu tính cả tuần và giá dầu WTI giảm hơn 1%.
“Tâm điểm chú ý của thị trường bây giờ vẫn là liệu Iran có trả đũa Israel hay không”, ông Andrew Lipow - Chủ tịch của công ty Lipow Oil Associates - nhận định.
Chủ tịch Bob McNally của công ty Rapidan Energy cho rằng giá dầu Brent có thể nhảy vọt lên 100 USD/thùng nếu Iran tấn công trực tiếp Israel. Trong trường hợp xung đột dẫn tới gián đoạn giao thông ở eo biển Hormuz - một đoạn huyết mạch của vận tải dầu thô đường biển - giá dầu có thể lên mức 120-130 USD/thùng.
Giá dầu tăng cao, cộng thêm các số liệu thống kê gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì nhịp tăng trưởng vững vàng, đã làm dấy lên mối lo về lạm phát, gây áp lực giảm lên thị trường.
“Bước sang cuối tuần, tâm lý trên thị trường là thận trọng với rủi ro. Nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn, với đồng USD tăng giá và cổ phiếu bị bán tháo”, chiến lược gia cấp cao Rob Haworth của công ty US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
“Tất cả những điều này diễn ra sau khi các số liệu trong tuần này nói lên một điều rằng nền kinh tế vẫn đang tương đối nói và lạm phát dai dẳng. Đó là nguyên nhân khiến nhà đầu tư phải điều chỉnh kỳ vọng của họ về Fed… Vì thế, họ trở nên thận trọng hơn trước khi nghỉ cuối tuần”, ông Haworth nói.
Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan công bố ngày thứ Sáu, người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng trở nên lo ngại hơn về sự dai dẳng của áp lực lạm phát. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 giảm về mức 77,9 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo đạt 79,9 điểm mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong 1 năm tới và trong dài hạn cũng tăng lên, phản ánh mối lo về sự dai dẳng của lạm phát.
Quay trở lại với giá dầu, hai tổ chức dự báo lớn đang đưa ra những con số có sự chênh lệch lớn về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay.
Trong đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong dự báo hàng tháng mới nhất đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2024 còn 1,2 triệu thùng/ngày. Báo cáo định kỳ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay.
“Hiện tại, thị trường có vẻ đang tin vào dự báo của OPEC hơn là dự báo của IEA”, chuyên gia Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank phát biểu.
Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin bất ngờ sụt 5%. Trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ trong giờ giao dịch của phiên ngày thứ Sáu ở Mỹ, giá bitcoin giảm từ hơn 68.000 USD về hơn 65.000 USD.
Lúc gần 8h sáng nay (13/4) theo giờ Việt Nam, giá bitcoin đứng ở mức gần 67.000 USD, vẫn thấp hơn gần 5% so với cách đó 24 tiếng - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com. So với cùng thời điểm vào tuần trước, giá bitcoin hiện giảm hơn 1%.
Cú sụt bất ngờ của bitcoin khiến các nhà giao dịch nắm các trạng thái bitcoin và tiền ảo khác có sử dụng đòn bẩy tài chính thiệt hại hơn 400 triệu USD chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ - trang Cointelegraph cho hay.
Giới phân tích nói rằng khả năng Fed duy trì lãi suất cao hơn lâu hơn đang gây áp lực giảm lên những tài sản có độ rủi ro cao như tiền ảo. Một số chuyên gia cảnh báo việc giá bitcoin gần đây biến động theo xu hướng đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước là một tín hiệu đáng lo ngại, cho thấy rủi ro giá tiền ảo này có thể giảm sâu hơn trong thời gian tới.