Chứng khoán Mỹ và giá dầu đảo chiều tăng nhẹ trong lúc ngóng tin Fed
Tâm trạng của Phố Wall ở thời điểm hiện tại là chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, với khả năng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm được áp dụng gần như đã chắc chắn...
Thị trường Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (19/9), trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Ba. Giá dầu cũng đi lên, khi mối lo về sự thắt chặt của nguồn cung lấn át nỗi lo về nhu cầu giảm và lãi suất tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 197,26 điểm, tương đương tăng 0,64%, chốt ở 31.019,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,69%, đạt 3.899,89 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,76%, đạt 11.535,02 điểm.
Thị trường đã giằng co giữa giảm và tăng trong suốt thời gian của phiên giao dịch. Có lúc, Dow Jones mất 263 điểm, còn S&P 500 và Nasdaq giảm hơn 0,9% mỗi chỉ số.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhà đầu tư ở Phố Wall kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3,51%, mức cao nhất trong 11 năm.
Sau một khoảng thời gian ngắn bừng lên hy vọng rằng Fed có thể sắp hoàn tất chu kỳ thắt chặt quyết liệt, giới đầu tư gần đây lại bán tháo cổ phiếu vì lo ngại rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể chống lạm phát “quá tay” và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tâm trạng của Phố Wall ở thời điểm hiện tại là chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, với khả năng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm được áp dụng gần như đã chắc chắn. Nhà đầu tư muốn chờ xem Fed sẽ phát đi những tín hiệu thế nào về triển vọng chính sách tiền tệ trong thời gian tới, cũng như những đánh giá của Fed về nền kinh tế Mỹ, bao gồm tăng trưởng, lạm phát và việc làm.
“Chúng ta đang ở thế ‘chờ xem’ và thị trường đợi cho tới khi xuất hiện một chất xúc tác giá lên hoặc giá xuống nào đó để thoát ra khỏi vùng biên độ hiện tại”, CEO Adam Sarhan của 50 Park Investment phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC. “Thị trường đang loay hoay định hướng vì thiếu những thông tin mang tính quyết định”.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm tăng trong phiên này, dẫn đầu là các nhóm nguyên vật liệu, tiêu dùng không thiết yếu và công nghiệp. Nhóm tài chính cũng tăng vì lãi suất tăng có thể giúp các ngân hàng cải thiện lợi nhuận.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,51%, chốt ở 91,82 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,42 USD/thùng, tương đương tăng 0,49%, đạt 85,53 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục đương đầu với áp lực giảm vì mối lo rằng lãi suất tăng cao sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD cũng khiến giá dầu gặp khó. Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đang được hỗ trợ bởi sự thắt chặt của nguồn cung dầu trên thế giới.
Một tài liệu nội bộ của OPEC+ do hãng tin Reuters thu thập được cho thấy sản lượng dầu thực tế của khối này trong ít hơn 3,583 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Trước đó, trong tháng 7, sản lượng dầu thực tế của OPEC+ thấp hơn 2,892 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước thành viên ngoài khối gồm Nga.
“Các cuộc khảo sát về sản lượng của OPEC+ đến nay cho thấy số dầu mà khối này khai thác được trên thực tế thấp hơn so với hạn ngạch sản lượng mà khối đề ra. Điều này khiến cho thị trường cảm thấy rằng OPEC+ không thể tăng sản lượng nếu thị trường yêu cầu”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates nhận định.
Cũng giống như trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà giao dịch dầu lửa đang đứng ngoài thị trường để chờ cuộc họp tuần này của Fed - theo ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch của BOK Financial.
Đồng USD vẫn đang ở vùng giá gần cao nhất 20 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng bạc xanh tăng giá mạnh là một nguồn áp lực giảm giá đối với các hàng hoá cơ bản, trong đó có dầu thô, vì những mặt hàng này được định giá bằng USD trong giao dịch quốc tế.
Tuần trước, thị trường dầu bất an khi đón nhận dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Báo cáo thường kỳ của tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp này cho rằng trong quý 4 năm nay, tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ khiến cho tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bằng 0.
Tuy nhiên, có một tin tốt cho các nhà đầu cơ dầu giá lên, đó là Trung Quốc bắt đầu nới các hạn chế chống Covid. Khi các hạn chế này được nới lỏng, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khởi sắc trở lại.