07:33 28/04/2023

Chuyển đổi số trong logistics chưa đáp ứng nhu cầu

Vũ Khuê

Mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang sử dụng các loại hình công nghệ khác nhau. Ứng dụng công nghệ số trong logistics chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển...

Mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng các loại hình công nghệ trong vận hành.
Mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng các loại hình công nghệ trong vận hành.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

VẪN CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’ ngày 27/4, ông Phan Văn Chinh – Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu.Hơn nữa, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

Theo ông Chinh, một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do ứng dụng công nghệ số trong logistics chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bổ sung thêm, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ.

Chuyển đổi số trong logistics chưa đáp ứng nhu cầu  - Ảnh 1

Trong đó, chủ yếu là các dịch vụ, gồm: khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...

Theo ông Trung, việc chuyển đổi số ngành logistics còn rất nhiều rào cản.

Thứ nhất, tư duy nhận thức, tập quán trong giao dịch với các chủ thể. Thậm chí ngay trong cảng, trong tập quán giao nhận vẫn đang có sự xung đột với các quy trình vận hành mới do sự khác nhau giữa các đơn vị và khác nhau giữa các vùng.

Thứ hai, vấn đề về kỹ thuật, công nghệ. Việc chuyển đổi, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành hàng trong điều kiện hiện tại là điều không dễ.

Thứ ba, con người, nhân sự, năng lực triển khai chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghệ số. Các chủ hàng là bà con nông dân nên vẫn theo phương thức làm cũ, năng lực áp dụng công nghệ mới rất khó khăn.

Thứ tư, tài chính. Đây cũng là vấn đề lớn, bởi chuyển đổi số phải đầu tư toàn diện, đồng bộ từ trang thiết bị đến phần mềm, nguồn nhân lực…

Thứ năm, hành lang chính sách cho chuyển đổi số vẫn chưa đồng bộ, hệ thống dữ liệu chưa thống nhất, hạ tầng chưa hoàn thiện.

LIÊN KẾT XÂY DỰNG HỆ THỐNG DỮ LIỆU CHUNG

Tại hội thảo các ý kiến đều nhận định, logistics là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân đòi hỏi cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Nếu chuyển đổi số thành công, chúng ta có thể rút ngắn thời gian chờ tại cảng lên tới 70%.

Để vượt qua những rào cản, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, theo ông Trung vấn đề liên kết hợp tác là thực sự cần thiết.

Đồng tình, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh thêm, trong quá trình chuyển đổi số cần có sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ, liên kết của tất cả các đơn vị liên quan. Điều này sẽ tạo ra sự lan toả, thúc đẩy giúp chúng ta chuyển đổi số thành công.

Dưới góc độ chuyên gia, bà Cao Cẩm Linh cho rằng quan trọng nhất là doanh nghiệp biết lúc nào mình cần chuyển đổi số và chuyển đổi số như thế nào. Với nhóm các doanh nghiệp hạ tầng và vận hành, đây là nhóm có giá trị tài sản lớn nên bắt buộc phải ứng dụng chuyển đổi số trên cơ sở các dữ liệu lớn có được và tiến hành phân tích.

Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ phải biết chính xác chuyển đổi số là gì, trưởng thành số là gì. “Nếu chúng ta trưởng thành cao trong mức chuyển đổi số thấp sẽ rất tốt cho doanh nghiệp mà không nhất thiết chạy theo những doanh nghiệp lớn bằng chuyển đổi số toàn diện”, bà Linh khuyến nghị.

Theo ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp logistics cần thay đổi tư duy cũ sang lối tư duy mới, thay đổi cách làm cũ. Cần sự đồng hành, sự ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương cũng như kết nối liên vùng.

Cần việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hong Kong.

“Trong công cuộc chuyển đổi số, chúng tôi vẫn cần sự đồng hành và hỗ trợ của các cảng trong hệ thống cảng biển Việt Nam”, ông Lộc nói.

Với cơ quan nhà nước, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho rằng Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có thể đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự chất lượng cao, có mô hình hợp tác với nhà trường, trung tâm đào tạo xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, mang tính ứng dụng cao.