18:19 21/12/2022

Đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ, đưa Việt Nam thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực

Anh Tú

Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Cùng với các giải pháp tổng hoà khác, sớm đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực...

Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.
Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

LOGISTICS ĐƯA XUẤT NHẬP KHẨU THÀNH ĐIỂM SÁNG

Nghị quyết số 163 nêu rõ mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế tiếp tục hoàn thiện. Ngành logistics cũng có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu thành một điểm sáng, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và đến ngày 15/12 vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD.

Cùng với đó, hạ tầng cơ sở logistics ngày càng được cải thiện, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ, các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics.

Số lượng các trường, viện, cơ sở tham gia đào tạo về logistics ngày càng tăng, chương trình đào tạo được nâng cấp theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong quản lý kho bãi, quản lý phương tiện, quản lý hàng hóa giúp hoạt động dịch vụ logistics được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn. 

Tuy nhiên, dù hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế địa - kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại, bất cập như.

 

"Chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng đứt gãy, xáo trộn, ún ứ cục bộ trong chuỗi cung ứng vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ, đường biển", Nghị quyết số 163 nêu rõ khó khăn.

Tiến độ triển khai thi công một số dự án kết cấu hạ tầng logistics còn chậm so với kế hoạch; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc chưa kịp thời, đồng bộ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường có sự cạnh tranh gay gắt; hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. 

Nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia đã được đưa vào nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại từ năm 2019 và giao Bộ Công Thương chỉ định cơ quan đầu mối để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia; tuy nhiên, đến nay bộ phận chuyên trách về logistics tại Bộ Công Thương chưa được thành lập nên công tác điều phối và phát triển logistics quốc gia còn hạn chế.

ĐẢM BẢO HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH LOGISTICS

Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, giảm chi phí logistics, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung cho cả giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo, Nghị quyết số 163 nhấn mạnh quan điểm: "Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế". 

Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Đồng thời, "cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực", Nghị quyết số 163 nêu mục tiêu.

 

"Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Phát triển sàn giao dịch vận tải hàng hóa gắn với thương mại điện tử, hướng tới phát triển logistics xanh".

Nghị quyết số 163.

Nêu rõ nhiệm vụ với từng bộ, ngành, Chính phủ đề nghị: "Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các hợp phần giao thông vận tải trong quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics và phù hợp với các trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất".

Về Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại của WTO.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để các bộ, cơ quan trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ về logistics thuộc phạm vi chi từ ngân sách nhà nước.

Còn Bộ Công Thương đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025...