16:52 04/09/2012

Có “cương quyết” tăng phòng ngừa rủi ro từ tín dụng?

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các văn bản mới liên quan đến hoạt động cho vay, phân loại nợ?

Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra thông tin đáng chú ý: “Chúng tôi sẽ cương quyết ban hành trong tháng 8 và tháng 9 này, đặc biệt các văn bản có liên quan đến các thể lệ chế độ tín dụng”.
Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra thông tin đáng chú ý: “Chúng tôi sẽ cương quyết ban hành trong tháng 8 và tháng 9 này, đặc biệt các văn bản có liên quan đến các thể lệ chế độ tín dụng”.
Đã qua tháng 8/2012, đã qua một mốc hẹn dự kiến mà ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đưa ra tại cuộc trao đổi về nợ xấu ngày 12/7/2012. Tại cuộc trao đổi đó, ông Nghĩa cho biết một văn bản liên quan đến việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng sẽ được ban hành trong tháng 8/2012.

Phát biểu tại hội nghị ngành ngày 7/7/2012, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm cho ra văn bản đó, thay thế Quyết định 493 về phân loại nợ hiện hành, để các ngân hàng chủ động nắm bắt.

Trong khi đó, một dự thảo khác cũng rất quan trọng đang được chờ đợi: sửa đổi và bổ sung các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (gần với Thông tư số 13/2010/TT-NHNN trước đây).

Và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra thông tin đáng chú ý: “Chúng tôi sẽ cương quyết ban hành trong tháng 8 và tháng 9 này, đặc biệt các văn bản có liên quan đến các thể lệ chế độ tín dụng”.

Tháng 8 đã qua, sự chờ đợi còn lại trong tháng 9. Điểm cần quan tâm là vì sao Thống đốc Bình nói là “cương quyết” ban hành?

Nhìn lại, hồi đầu năm, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2010/TT-NHNN thu hút sự chú ý của thị trường. Bởi nếu áp dụng nó sẽ can thiệp mạnh đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Dự thảo đề năm ban hành là 2012, dự kiến thời điểm có hiệu lực là 1/6/2012. Song đến nay, vẫn chưa lộ diện.

Nói một cách hình ảnh, nếu dự thảo trên được ban hành, nó lập thêm những điểm bắn tốc độ mới trên các tuyến đường mà các tổ chức tín dụng đang lưu thông. Và có thể, nhiều tài xế sẽ không mong muốn điều đó.

Thứ nữa, căn theo thực tế hoạt động của hệ thống thời gian qua, dự thảo trên ra đời và giả sử như có hiệu lực đúng ngày 1/6/2012, hẳn nhiều tổ chức tín dụng sẽ rơi vào thế... việt vị.

Bởi lẽ, dự thảo công bố hồi đầu năm có đưa ra quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR), với giới hạn áp cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 80%; với công ty tài chính là 85%. Còn thực tế LDR của hệ thống dù giảm khá nhanh nhưng luôn ở mức cao từ cuối năm 2011 đến nay (tính đến 30/6/2012: riêng khối ngân hàng thương mại cổ phần khá thấp với 75,78%; khối ngân hàng thương mại nhà nước lên tới 102,51%; khối liên doanh và nước ngoài 98,96%; khối công ty tài chính và cho thuê tài chính lên tới 129,04%...).

Trong giả thiết ban hành nói trên, ngoại trừ khối thương mại cổ phần, hầu hết các tổ chức tín dụng khác sẽ việt vị, và dĩ nhiên là không thể đẩy mạnh cho vay, thậm chí phải tăng cường thu hồi nợ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế rất thấp; hoặc một hướng khác là mở rộng được nhanh và mạnh vốn huy động. Tính khả thi của dự thảo trên về thời điểm ban hành theo đó là không phù hợp.

Chờ đợi hiện nay là dự thảo văn bản trên có nằm trong sự “cương quyết” ban hành không, vì tại buổi chất vấn trên Thống đốc không nêu cụ thể các văn bản.

Giả sử nếu ban hành, một thông tin gợi mở là thời điểm áp dụng sẽ được nới sang năm 2013 để các tổ chức tín dụng có thời gian định hướng hoạt động và chuẩn bị, cũng như tránh những xáo trộn nào đó đối với nền kinh tế. Nhưng dù thời điểm được nới, tác động chính vẫn là hạn chế khả năng cho vay của các tổ chức tín dụng, nên sự “cương quyết” hay không có lẽ được đặt ra ở đây.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng thông tin định hướng là những văn bản sắp ban hành sẽ tập trung vào các thể lệ, chế độ tín dụng.

“Như các văn bản quy phạm trước đây, phần quy định về mặt sử dụng vốn vay là không rõ, thậm chí bên vay có thể rút ra bằng tiền mặt hết. Khi tiền mặt đã được rút ra rồi họ chi vào bất kỳ việc gì, cho nên doanh nghiệp thì bảo vay tiền để làm dự án nhưng tiền thì không đến dự án mà có khi lại đi vào các mục đích khác, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán, từ đó cũng gây ra rất nhiều hệ lụy mà chúng ta đã thấy hiện nay”, Thống đốc gợi mở một hướng sẽ điều chỉnh trong các văn bản sắp tới.

Ngoài dự thảo với giả thiết ban hành trên, một khả năng thực tế hơn là văn bản thay thế Quyết định 493 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro như đề cập ở trên. Sự “cương quyết” cũng có thể xem xét ở dự thảo này. Một phần nó đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải đầu tư hơn nữa cho việc thẩm định, đánh giá và phân loại nợ; một phần có thể tạo áp lực gia tăng dự phòng rủi ro; và điểm chung là phải gia tăng chi phí trong hoạt động - điều không mong muốn.

Tuy nhiên, nếu cả hai dự thảo trên đều được “cương quyết” ban hành, vì an toàn hệ thống và để phòng thủ tốt hơn trước những rủi ro, có lộ trình thích hợp thì có lẽ sẽ nhận được sự ủng hộ của các thành viên và thị trường.