12:53 09/05/2008

Cơ hội mua nhà xã hội giá rẻ

M. Chung - A. Quân

Trung tuần tháng 5 này, Dự án Khu chung cư Trường Thọ, mô hình nhà xã hội giá rẻ đầu tiên, sẽ được khởi công xây dựng

Ông Nguyễn Duy Nhật: "Dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ mở rộng diện đối tượng tham gia và mọi người đều có thể tiếp cận với Chương trình."
Ông Nguyễn Duy Nhật: "Dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ mở rộng diện đối tượng tham gia và mọi người đều có thể tiếp cận với Chương trình."
Trung tuần tháng 5 này, Dự án Khu chung cư Trường Thọ, mô hình nhà xã hội giá rẻ đầu tiên, sẽ được khởi công xây dựng.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Duy Nhật, Giám đốc Dự án Phát triển Hợp tác xã Nhà ở (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết, Chung cư Trường Thọ sẽ gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa nhà 15 tầng, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng sau 3 năm thi công. Chung cư được xây dựng tại quận Thủ Đức, Tp.HCM.

Trước đó, Liên minh Hợp tác xã cũng đã ban hành quy định về Chương trình Tiết kiệm Nhà ở khi thành lập Hợp tác xã Nhà ở. Theo đó, Hợp tác xã sẽ giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình có thu nhập thấp và trung bình mua nhà với giá hợp lý. Cơ sở để phân bổ mua các căn hộ mới khi dự án bất động sản được triển khai dựa vào số điểm tích lũy của các thành viên.

Hiện nay đã có bao nhiêu người tham gia Chương trình Tiết kiệm Nhà ở và là đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ Dự án Khu chung cư Trường Thọ, thưa ông?

Để tham gia Hợp tác xã Nhà ở, trước tiên bạn phải trở thành xã viên Hợp tác xã và tham gia Chương trình Tiết kiệm Nhà ở.

Chương trình này mới triển khai từ tháng 2 năm nay. Cho đến hiện tại, riêng ở Tp.HCM đã có khoảng 300 xã viên tham gia Chương trình. Dự kiến đến cuối năm nay, cả Hà Nội và Tp.HCM sẽ có tổng cộng 1.000 xã viên được đăng ký tham gia.

Trong bước đầu triển khai, chúng tôi còn hạn chế đối tượng tham gia. Đến nay chỉ mới tiếp nhận các đối tượng là xã viên các hợp tác xã, người thuộc khối Liên minh Hợp tác xã.

Vậy vì sao chưa mở rộng đối tượng tham gia? Bao giờ mọi đối tượng mới có thể được tham gia?


Nếu tiếp nhận mọi đối tượng chúng tôi lo rằng có thể sẽ tạo sức ép lên Chương trình nhà ở xã hội vốn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Đã có nhiều người quan tâm hỏi thủ tục tham gia nhưng hiện nay Chương trình còn đang cân nhắc các khả năng.

Dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ mở rộng diện đối tượng tham gia và mọi người đều có thể tiếp cận với Chương trình.

Nếu tham gia từ bây giờ, khoảng bao lâu sau mới được duyệt mua nhà? Giá nhà ở thuộc Hợp tác xã sẽ rẻ hơn bên ngoài như thế nào?


Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như có xin được đất hay không, thủ tục xin đất, phê duyệt dự án… mất bao nhiêu thời gian, có đủ 60% số người đăng ký mua nhà…

Nếu trong điều kiện thuận lợi thời gian chờ có thể là 3 năm. Với những xã viên tham gia đợt đầu này thì nhiều người chỉ sau 3 năm đã có thể được mua nhà của dự án.

Còn về giá nhà, chúng tôi cũng chưa tính cụ thể được vì còn tùy thuộc vào diện tích của mỗi căn hộ,  gần trung tâm hoặc xa trung tâm. Nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn so với những căn hộ cùng diện tích ở nhà chung cư thương mại.

Thưa ông, nếu các xã viên tham gia với mức đóng góp cao hơn, không phải là 100.000 đồng đến 300.000 đồng như quy định, Chương trình sẽ triển khai được nhiều dự án hơn và thời gian chờ sẽ ngắn hơn?

Xã viên có thể đóng cao hơn nhưng đây là khoản tiết kiệm gửi cho ngân hàng (hiện nay Sacombank là đơn vị phối hợp với Chương trình Tiết kiệm Nhà ở). Chương trình chỉ tính tối đa là 3 điểm/tháng và hiện nay tương đương với 300.000 đồng. Nếu giá cả leo thang, Chương trình cũng có thể áp dụng định mức tiết kiệm mới cho phù hợp.

Khoản tiền này cũng không dùng để đầu tư xây dựng hay chi cho giải phóng mặt bằng… Các khoản chi cho dự án nhà ở đều từ nguồn vay tín dụng. Khi được giao nhà, xã viên làm chủ sẽ tiến hành rút khoản tiền này và trả thêm tiền để sở hữu căn hộ của mình. Nếu không đủ tiền có thể vay trả góp của ngân hàng.

Xin đất vẫn là khâu nan giải nhất của mô hình nhà xã hội. Lần này có vẻ như vấn đề đã được giải quyết?


Đến giờ, việc xin được cấp đất vẫn là khâu vướng mắc nhất của Dự án. Hai dự án đang được triển khai tại Tp.HCM đều do người dân góp đất. Chương trình vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án nào. Còn ngoài Hà Nội vẫn chưa xin được đất để thí điểm.

Có quá nhiều khâu cần phải tiến hành như tìm đất, xin UBND thành phố duyệt cấp đất, chuyển sở xây dựng xem vị trí đất có nằm trong diện đất xây dựng nhà ở, qua tới sở quy hoạch kiến trúc duyệt quy hoạch và phương án xây dựng, rồi sở tài nguyên môi trường nhà đất…

Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được khu đất nào phù hợp. Với mô hình nhà ở xã hội, Nhà nước lo toàn bộ phần hạ tầng, người dân chỉ trả tiền xây nhà. Như vậy giá mới phù hợp với người thu nhập thấp và trung bình.

Trong khi các doanh nghiệp vẫn triển khai các dự án bất động sản lớn, việc cấp đất cho Hợp tác xã nhà ở vì sao lại khó khăn như vậy?

Làm theo đúng quy trình thủ tục mất rất nhiều thời gian. Nhưng cái chính là chưa có một cơ chế, quy định rõ ràng cho vấn đề này, mặc dù các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM vẫn có các chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chưa có một quy định nào của cấp có thẩm quyền là dành bao nhiêu đất cho chương trình nhà ở xã hội, một năm sẽ xây dựng bao nhiêu căn hộ dạng này, Nhà nước chi bao nhiêu tiền cho việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ các khu nhà ở xã hội…

Chính vì vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, dù là các cơ quan hữu quan đều rất quan tâm đến vấn đề này.

Chúng tôi rất hy vọng là với các dự án được triển khai thành công tại Tp.HCM và tới đây có thêm các dự án tại Hà Nội, mô hình nhà xã hội sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân.