Cổ phiếu Xiaomi gây thất vọng ngày đầu giao dịch
Xiaomi trở thành nạn nhân của việc IPO không đúng thời điểm giữa lúc chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử nổ ra
Cổ phiếu của nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi có khởi đầu không mấy thuận lợi trên sàn chứng khoán Hồng Kông ngày 9/7, theo CNBC.
Cổ phiếu này bắt đầu giao dịch với giá 16,6 Đôla Hồng Kông (2,12 USD), thấp hơn so với giá IPO 17 Đôla Hồng Kông (2,17 USD). Hôm thứ 6 tuần trước, công ty này định giá cổ phiếu IPO ở mức giá thấp trong khoảng 17 - 22 Đôla Hồng Kông, nhắm tới huy động 4,7 tỷ USD với việc phát hành 2,18 tỷ cổ phiếu.
IPO ở mức giá này đưa định giá Xiaomi khoảng 54 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với mục tiêu 100 tỷ USD ban đầu.
Theo giới phân tích, IPO từng được kỳ vọng nhất thế giới trong năm nay của Xiaomi cuối cùng lại gây thất vọng bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc hoãn niêm yết tại Trung Quốc đại lục, tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư với cổ phiếu trên toàn cầu cũng như những quan ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tuần trước, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông cũng sụt xuống mức thấp nhất 9 tháng khi các nhà đầu tư lo sợ về chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Có tới 4 trong 5 IPO công nghệ lớn nhất của Trung Quốc kể từ tháng 9 hiện đang giao dịch cổ phiếu ở mức giá thấp hơn giá IPO. Trong đó, cổ phiếu Yixin Group và Razer giao dịch ở mức giá thấp hơn 50%.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Xiaomi đã được đánh giá quá cao.
"Thành thật mà nói, Xiaomi không phải một công ty Internet mà chỉ là một công ty phần cứng", Dickie Wong, giám đốc điều hành của Kingston Financial tại Hồng Kông. "Đó chính là vấn đề".
Dù vậy, Xiaomi lại định vị công ty hoàn toàn khác. Trong thư kèm cáo bạch IPO vào tháng trước, Lei Jun, người sáng lập, hiện là chủ tịch, CEO của Xiaomi, gọi Xiaomi là "một công ty Internet trên nền tảng đổi mới".
Người sáng lập Xiaomi Lei Jun (trái) và Giám đốc tài chính Shou Zi Chew.
Nền tảng "Internet vạn vật" với hơn 100 triệu thiết bị kết nối của Xiaomi hiện đang được dùng phổ biến. Động lực tăng trưởng của công ty chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc và đang phát triển nhanh tại Ấn Độ.
Xiaomi hiện không bán sản phẩm ở Mỹ nhưng giám đốc kinh doanh quốc tế Wang Xiang của công ty cho biết điều này có thể sẽ thay đổi.
"Chúng tôi luôn nghiêm lúc nhìn nhận thị trường Mỹ. Đây là thị trường rất quan trọng, nhưng chúng tôi đang chuẩn bị vô cùng cẩn thận các nguồn lực để phục vụ khách hàng Mỹ", Wang nói với CNBC hồi đầu năm.
Tuy nhiên, việc tập trung vào các thị trường khác ngoài Mỹ cho thấy Xiaomi đã tránh được những biện pháp nghiêm ngặt nhằm vào các công ty Trung Quốc trong đó có Huawei và ZTE.
"Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho Xiaomi là công ty này có thể thay đổi mô hình của mình nhanh thế nào để nhằm tới thứ gì đó mang về doanh thu cao hơn", Kitty Fok, giám đốc điều hành của hãng tư vấn IDC tại Trung Quốc cho biết.
Xiaomi, được thành lập vào năm 2010, hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới.