Cử tri Hà Nội kiến nghị xem xét mở rộng cảng Hồng Vân gấp 5 lần quy hoạch
Bộ Giao thông vận tải cho biết đến năm 2030, cảng Hồng Vân được quy hoạch với công năng là cảng hàng hóa phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn, công suất 2 triệu tấn. Tuy nhiên, cử tri cần có ý kiến để UBND thành phố điều chỉnh vào quy hoạch Thủ đô...
Cử tri TP. Hà Nội cho biết tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch cảng Hồng Vân, huyện Thường Tín nằm trong hệ thống quy hoạch các cảng container kết hợp với cảng tổng hợp quy mô 8 ha.
Để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông vận tải sau khi đường Vành đai 4 hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực sông Hồng, cử tri thành phố đề nghị trình Chính phủ xem xét mở rộng quy hoạch cảng Hồng Vân diện tích khoảng 40,6 ha là trung tâm logistics và cảng container kết hợp cảng tổng hợp.
Hồi đáp kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐTTg ngày 31/10/2021, cảng thủy nội địa Hồng Vân được quy hoạch là cảng hiện có thuộc cụm cảng Nam Hà Nội, vị trí tại huyện Thường Tín, trên sông Hồng.
Giai đoạn đến năm 2030, cảng thủy nội địa Hồng Vân được quy hoạch với các chỉ tiêu như sau: (1) công năng là cảng hàng hóa; (2) tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn; (3) công suất 2,0 triệu tấn/năm.
"Như vậy, theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa xác định cảng Hồng Vân là cảng hàng hóa, được khai thác hàng container kết hợp hàng tổng hợp", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang chủ trì lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, định hướng đến năm 2065, do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cử tri có ý kiến để UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, cập nhật.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đối với các cảng thủy nội địa trên toàn quốc nói chung và cảng Hồng Vân nói riêng tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ quy hoạch các chỉ tiêu về công năng, quy mô cỡ tàu tiếp nhận và công suất cảng, không quy hoạch về diện tích cảng.
"Diện tích các cảng thủy nội địa sẽ được các địa phương quyết định trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất trên cơ sở nhu cầu phát triển cảng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Được biết, cảng Hồng Vân được hình thành từ năm 1979 theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1994 được UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định sáp nhập cùng cảng Sơn Tây vào Công ty Vận tải đường sông Hà Tây.
Sau đó, đơn vị lần lượt được đổi tên thành Công ty Cảng Sơn Tây năm 2002, Công ty cổ phần Cảng Hồng Hà năm 2011 và nay được tách thành Công ty cổ phần Cảng Sơn Tây và Công ty cổ phần Cảng Hồng Vân.
Trong suốt hơn 40 năm qua, cùng với cảng Sơn Tây, cảng Hồng Vân không ngừng phát triển, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa và góp phần xây dựng kinh tế xã hội huyện Thường Tín. Tuy nhiên, cảng Hồng Vân sau nhiều năm khai thác dần bị xuống cấp.
Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm thời gian qua đã chú trọng tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm thực hiện một số nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nhờ đó, giúp đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các vùng, miền, giữa địa bàn tiêu thụ và đầu mối giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến nay, mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với tổng chiều dài 1.900 km và đang tiếp tục được triển khai thi công, góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng; hệ thống quốc lộ và đang được đầu tư theo quy hoạch. Hệ thống hạ tầng đường sắt được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo.
Cùng với đó, đường thủy nội địa cải tạo, đưa vào khai thác 17 tuyến vận tải, bao gồm cả tuyến vận tải thủy sông Hồng và sông Đuống thuộc hành lang số 1 và số 3 khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Bộ Giao thông vận tải cũng đang đầu tư nâng tĩnh không cầu trên các tuyến vận tải thủy trọng yếu, trong đó có cầu Đuống thuộc hành lang đường thủy số 1 khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Đối với nhiệm vụ tổ chức thực hiện quy hoạch, phát triển các Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cử tri thành phố có kiến nghị với Bộ Công Thương để được hướng dẫn, giải quyết. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.