15:53 09/08/2024

Đại dịch X là gì mà WHO phải thúc đẩy nghiên cứu ứng phó?

Hoài Phương

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi đầu năm nay, Tổng giám đốc WHO đã kêu gọi các nước cùng nhau ký kết một hiệp ước để ứng phó với "bệnh X" có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với Covid-19...

Ảnh: New Scientist
Ảnh: New Scientist

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới phòng ngừa dịch bệnh (CEPI) một lần nữa đã kêu gọi hợp tác nghiên cứu trên toàn cầu để chuẩn bị ứng phó với các đại dịch tiềm tàng. Theo WHO, khung khoa học về công tác chuẩn bị nghiên cứu dịch bệnh và đại dịch sẽ giúp định hướng và phối hợp nghiên cứu về toàn bộ các họ mầm bệnh, một chiến lược nhằm tăng cường khả năng ứng phó nhanh chóng của thế giới với các biến thể không lường trước, đối với các mầm bệnh mới nổi, sự lan truyền từ động vật sang người và các mối đe dọa chưa được biết đến.

WHO nhận định: "Thực tế nhiều năm qua cho thấy, đại dịch tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian, không phải là có hay không". Do đó, các nước cần sự kết hợp giữa khoa học và quyết tâm để cùng nhau chuẩn bị ứng phó. Việc nâng cao kiến thức về nhiều tác nhân gây bệnh là dự án toàn cầu đòi hỏi sự tham gia của các nhà khoa học từ mọi quốc gia.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, WHO đang thu hút các viện nghiên cứu trên toàn thế giới thành lập một liên đoàn nghiên cứu mở hợp tác cho mỗi họ virus. Các liên đoàn này sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà phát triển, nhà tài trợ, nhà quản lý, chuyên gia… với mục đích thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu lớn hơn và sự tham gia công bằng, đặc biệt là từ những nơi mà các tác nhân gây bệnh được biết đến hoặc có khả năng lưu hành cao.

WHO đã kêu gọi các nước cùng nhau ký kết một hiệp ước để ứng phó với "bệnh X" có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với Covid-19.
WHO đã kêu gọi các nước cùng nhau ký kết một hiệp ước để ứng phó với "bệnh X" có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với Covid-19.

Trước đó, một danh sách 30 mầm bệnh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch đã được biên soạn bởi 200 nhà khoa học từ hơn 50 quốc gia. Trong số các loại virus và vi khuẩn nguy hiểm nhất, các chuyên gia cho rằng có thể gây ra đại dịch tiếp theo là cúm gia cầm H5N1. Hiện virus này đang lây lan ở Hoa Kỳ và các nhà khoa học lo ngại rằng loại này có thể dễ dàng đột biến để lây truyền từ người sang người. Ngoài ra các nhà khoa học còn có nỗi lo về bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền cũng đang lây lan ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác ở mức độ chưa từng có.

Bên cạnh đó, bệnh đậu mùa khỉ (mpox) - căn bệnh gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2022, cũng nằm trong danh sách, trong bối cảnh bùng phát một chủng gây chết người và dễ lây nhiễm hơn ở châu Phi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) so với danh sách mà tổ chức này lần đầu tiên công bố năm 2017 thì có hơn một nửa số mục là mục mới. Ngoài ra còn có Hantavirus, một loại virus lây lan giữa các loài gặm nhấm, virus Tây sông Nile lây truyền qua muỗi, cúm và Covid-19.

Các nhà khoa học cũng bổ sung thêm bệnh đậu mùa vào danh sách mặc dù hiện nay bệnh này đã bị xóa sổ, vì lo ngại bệnh này có thể vô tình bị phát tán trong phòng thí nghiệm và lây lan nhanh chóng do hiện nay rất ít người có khả năng miễn dịch với loại virus này. Loại sốt Lassa lây truyền từ loài gặm nhấm, có thể gây chảy máu nướu răng, mắt, mũi và co giật ở bệnh nhân cũng là virus có nguy cơ cao.

Who đã cập nhật danh sách các mầm bệnh có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.
Who đã cập nhật danh sách các mầm bệnh có khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.

WHO cho biết, danh sách này được biên soạn bởi 200 nhà khoa học từ hơn 50 quốc gia sau khi xem xét danh sách rút gọn gồm 1.600 loại vi khuẩn và virus. Mỗi loại đều được đánh dấu được ghi chú rất cẩn thận như loại "có khả năng gây đại dịch"; "có khả năng lây truyền và độc lực cao" hoặc "có thể gây bệnh nghiêm trọng ở người". Trong đó, bệnh X được đưa vào danh sách để chỉ một tác nhân gây bệnh chưa biết có thể gây ra một dịch bệnh quốc tế nghiêm trọng.

Năm 2018, WHO đã đưa ra giả định về "bệnh X", khi mà Covid-19 chưa xuất hiện. "Bệnh X" lúc này đã được đề cập cùng với danh sách "các bệnh và mầm bệnh ưu tiên được nghiên cứu và phát triển" với tỷ lệ mắc bệnh, tử vong cao, như virus Zika, SARS, Ebola và một số bệnh khác. Theo WHO, về lý thuyết, thuật ngữ "bệnh X" thể hiện quan điểm rằng một đại dịch toàn cầu nghiêm trọng có thể xảy ra do một mầm bệnh chưa được xác định. Nó có thể là nấm, virus, vi khuẩn hoặc một tác nhân mới mà chúng ta chưa có phương pháp phòng ngừa hay điều trị đặc hiệu.

Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, căn bệnh này chưa xuất hiện, nhưng điều đó không nghĩa là các quan chức không cần quan tâm đến việc chuẩn bị cho thế giới sẵn sàng ứng phó trong trường hợp một loại virus nguy hiểm tấn công. Trên toàn thế giới, số lượng mầm bệnh tiềm tàng rất lớn, trong khi nguồn lực dành cho nghiên cứu các bệnh bệnh lý và phát triển (những phương pháp phòng ngừa, điều trị) còn hạn chế.

Theo Daily Mail, các nhà khoa học nhận định quá trình đô thị hóa và nạn phá rừng đã thúc đẩy sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người, ngoài ra việc đi lại, di chuyển trên toàn cầu ngày càng nhiều hơn tạo ra cơ hội mới cho một nhiều căn bệnh xâm nhập vào các khu vực mới trên thế giới. Song song đó, các nhà khoa học còn lo ngại rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra dịch bệnh bằng cách khiến dịch bệnh lây lan sang các khu vực mới.

Tiến sĩ Ana Maria Henao Restrepo, người đứng đầu báo cáo, chia sẻ: "Danh sách này cho thấy những loài nào cần ưu tiên, loại nào cần được giải quyết khẩn cấp". Đồng tình, ông Yuen Kwok-Yung, nhà nghiên cứu tại Hồng Kông (Trung Quốc), là người đã có kinh nghiệm chiến đấu với những loại virus nguy hiểm nhất, cho rằng việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện phải là ưu tiên hàng đầu.

Nhiều chuyên gia dự đoán “bệnh X” sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng lây truyền sang người ở mức độ cao.
Nhiều chuyên gia dự đoán “bệnh X” sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng lây truyền sang người ở mức độ cao.

Cũng theo chuyên gia này, việc dân số thế giới tăng nhanh chóng và tình trạng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn. "So sánh với đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918 có thể thấy dân số toàn cầu đã tăng lên ít nhất gấp 3 lần so với thời kỳ đó. Do đó, tôi hy vọng chính phủ các nước có thể lường trước các thách thức," ông Yuen Kwok-Yung nói. Vào năm 2003, ông Yuen được công chúng biết đến sau khi cùng nhóm của mình thành công trong việc phân lập virus và xác định Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS).

Theo Tiến sĩ Amesh Adalja từ Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, "bệnh X" có thể là một loại virus đường hô hấp đã xuất hiện ở các loài động vật mà chưa có khả năng lây lan sang người. "Đó có thể là virus ở loài dơi như Covid-19, có thể ở các loài chim như cúm gia cầm, hoặc có thể là một số loại động vật khác," ông nói. Còn theo Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam thuộc Đại học Monash (Australia), "bệnh X" cũng có thể xuất hiện do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cả hai chuyên gia đều dự đoán “bệnh X” sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, người bệnh không có triệu chứng và có khả năng lây truyền sang người ở mức độ cao.