Các quốc gia châu Á chuẩn bị gì để đón đầu “nền kinh tế bạc”?
Một sự chuyển dịch nhân khẩu học thực sự đáng chú ý đang diễn ra trên toàn cầu, với tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ 2015 đến 2015, đạt đến 2,1 tỷ người, theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới…
Trong một bài thảo luận mới đây, công ty tư vấn McKinsey lưu ý rằng ở nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, tiêu dùng của người cao tuổi có thể tăng gấp đôi so với phần còn lại của dân số. Các tác giả cũng bổ sung thêm, đến năm 2030, hơn 95% người cao tuổi ở Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ hoạt động tích cực trên thị trường trực tuyến, còn ở Trung Quốc là 2/3 dân số trên 60 tuổi. "Trên toàn cầu, nhóm tuổi này sẽ là thị trường tiêu dùng tăng trưởng quan trọng nhất trong 15 năm tới”, một nghiên cứu từ công ty Ogilvy nhận định.
Theo Nikkei Asia, vào tháng 1/2024, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế bạc. Các lĩnh vực được kêu gọi đầu tư bao gồm: hỗ trợ đi lại, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, bảo hiểm, y tế, mỹ phẩm và hoạt động giải trí. Ngoài ra, 10 khu công nghiệp dành riêng cho nền kinh tế bạc sẽ được xây dựng trên khắp đất nước, bao gồm cả vùng đô thị Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và Quảng Đông -Hồng Kông - Macao.
Theo ước tính của một viện nghiên cứu Trung Quốc, quy mô của "kinh tế bạc" của nước này có thể lên tới khoảng 4,2 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới và chiếm 10% tổng sản phẩm kinh tế của Trung Quốc vào năm 2035. Theo báo cáo của McKinsey, sự tham gia của người cao tuổi trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc đang tăng vọt. Số người dùng trung bình trên 50 tuổi hàng tháng tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn khoảng 30% so với các nhóm nhân khẩu học khác cùng năm.
Một trong những lĩnh vực chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ nhất là thị trường sản phẩm dinh dưỡng trực tiếp phục vụ người cao tuổi. Theo Polaris Market Research, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm này dự kiến sẽ có mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,5%, dự kiến đạt 30,6 tỷ USD vào năm 2030. Không có gì ngạc nhiên khi Abbott Laboratories cho biết vào năm 2022 rằng họ sẽ ngừng sản xuất các sản phẩm cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc và chuyển sang sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng cho người già.
Ở nhiều quốc gia láng giềng khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, rất nhiều sản phẩm và mặt hàng mới phục vụ người cao tuổi đã được giới thiệu ra thị trường. Ví dụ như tại Nhật hiện khá phổ biến các thiết bị điện thoại di động có âm lượng, màn hình lớn với giao diện đơn giản và tích hợp nhiều ứng dụng giám sát sức khoẻ. Ngoài ra, nhiều sản phẩm gia dụng khác, điển hình như máy giặt và lò vi sóng cũng có các tính năng vận hành bằng giọng nói và có kích thước nhỏ, nhẹ hơn để thuận tiện sử dụng.
Tại Hàn Quốc, theo tờ Korea Herald, những người trong độ tuổi 50 đến 60 đã trở thành nhóm khách hàng chủ chốt của các kênh mua sắm tại nhà. Họ chiếm tỷ lệ đáng kể trong số lượng người xem TV và nhiều người trong số họ có tình hình tài chính ổn định.
Theo BC Card, tính đến tháng 8/2023, mua sắm tại nhà chiếm 22,9% tổng chi tiêu của khách hàng từ 60 tuổi trở lên, tăng 7 điểm phần so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, KB Kookmin Card cũng báo cáo rằng giao dịch mua sắm tại nhà của những người từ 50 tuổi trở lên tăng 17% trong năm 2023 so với năm trước đó, trong khi con số này ở nhóm tuổi từ 20 đến 49 chỉ tăng 11%.
Ngay khi nhanh chóng nhận ra được tầm ảnh hưởng lớn của nhóm khách hàng này đối với doanh số, các công ty trong ngành đã bắt đầu đầu tư và tái cơ cấu các chương trình của mình để thu hút người xem. Hiện tại, người cao tuổi chiếm hơn 70% tổng số khách hàng của kênh mua sắm Lotte Home Shopping, với lượng mua hàng của họ trong quý 4/2023 tăng 20% so với năm 2022.
Công ty này ngay lập tức đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình thiên hơn về các mảng quần áo thể thao, thiết bị y tế và công cụ chăm sóc sức khoẻ. Thêm vào đó, các sản phẩm làm đẹp và giảm cân cũng được lên kế hoạch để đưa vào danh mục bán hàng của kênh trong tương lai.
Thái Lan, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, có dân số từ 60 tuổi trở lên vào khoảng 12,7 triệu người - tương đương 19% tổng dân số vào năm 2022, theo Bangkok Post. Chính phủ Thái Lan đã tập trung vào việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính phủ cũng đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực này.
Nhờ đó, Thái Lan đã trở thành một điểm đến nổi tiếng cho du lịch y tế nhờ chi phí phải chăng và dịch vụ chất lượng cao. Chính phủ khuyến khích ngành du lịch y tế phát triển nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là những người nghỉ hưu và có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Nước này cũng đã điều chỉnh các chính sách visa để thu hút người nước ngoài đến nghỉ hưu và đầu tư vào thị trường bất động sản, từ đó kích thích kinh tế. Các gói visa này thường kéo dài và tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi. Loại visa này gọi là “retirement visa”.
Tại Việt Nam, do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế bạc. Ví dụ, hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên… phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật.
Cần quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và từ xa, giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ tư vấn y tế mà không phải đi lại; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.
Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như thiết bị theo dõi sức khỏe, hệ thống an ninh, nhà thông minh để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, phát triển phương tiện giao thông như xe điện với thiết kế thông minh phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật như một số quốc gia đã triển khai.