11:44 11/07/2024

Người dân đổ xô đi tiêm chủng: Những ai cần vaccine bạch hầu?

Hoài Phương

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, chiều 10/7, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xác định có thêm một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ca bệnh này là B.H.G. (29 tuổi), tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. G. là một trong 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B. và là một trong 8 trường hợp có kết quả âm tính trong lần xét nghiệm đầu tiên. Trong lần xét nghiệm thứ 2, G. cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. 

Trước đó, ngày 7/7, CDC Bắc Giang thông báo M.T.B. (19 tuổi, nữ nhân viên quán karaoke) xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là một trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Kỳ Sơn, Nghệ An. Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định có 16 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh B. 

Ngày 10/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị này vừa làm thủ tục cho chuyển một nam bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để xét nghiệm, điều trị khi bệnh nhân này được chẩn đoán theo dõi bạch hầu. Theo hồ sơ bệnh án, ông P.H.D. (56 tuổi, ngụ tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đi từ Đắk Lắk về cách đây 5 ngày, sau đó 4 ngày nay xuất hiện đau rát họng, đau cổ, ngứa niêm mạc mắt, không sốt, không nôn.

CẦN TIÊM VACCINE ĐẦY ĐỦ ĐỂ PHÒNG BỆNH

Trước diễn tiến ca bệnh tại các địa phương, nhiều người dân đã tìm tới các trung tâm tiêm chủng để tiêm vaccine bạch hầu nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh. Theo bác sĩ Phạm Đình Đông, bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC cơ sở Trường Chinh (Hà Nội), “Ngày 9/7 trung tâm tiêm chủng tiếp nhận, tư vấn, khám và tiêm phòng cho gần 1.000 khách hàng. Đa số các đối tượng tới tiêm đều là tiêm mũi 1”.

Vaccine phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng.
Vaccine phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Tương tự tại TP.HCM, Bác sĩ Đinh Văn Thới, Trưởng Phòng khám Tiêm chủng - Viện Pasteur TP.HCM, cho hay trong 2 ngày 9 và 10/7, số người đến tiêm ngừa vaccine bạch hầu tăng đột biến. “Trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 - 11 người đến tiêm vaccine bạch hầu, nhưng trong 2 ngày gần đây, con số này đã tăng lên 100 -130 người/ngày”, bác sỹ Thới nói.

Số lượng người tiêm vaccine bạch hầu tăng cao đột biến khiến Viện Pasteur TP.HCM có nguy cơ hết vaccine vào ngày 11/7. Tuy nhiên, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho biết, vaccine bạch hầu không phải là vaccine hiếm, tại các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các quận, huyện hay các trung tâm tiêm chủng mỗi địa phương đều có sẵn vaccine, người dân có thể đến tiêm chủng khi có nhu cầu.

Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết hiện danh mục vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Việt Nam có nhiều loại như: Vaccine 6 trong 1 (Infanrix - Bỉ/ Hexaxim - Pháp) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não do Hib, viêm gan B; dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Vaccine 5 trong 1 (Pentaxim - Pháp) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não do Hib; dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

Vaccine 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi. Vaccine 3 trong 1 Boostrix (Bỉ)/ Adacel (Canada) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván; dành cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Vaccine Uốn ván/ Bạch hầu hấp phụ (Td) (Việt Nam); dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn…

Người dân đổ xô đi tiêm chủng: Những ai cần vaccine bạch hầu? - Ảnh 1

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: "Nguy cơ lây nhiễm vẫn có trong cộng đồng, quan trọng là cần tiêm vaccine đầy đủ để phòng bệnh, cách ly và uống kháng sinh dự phòng nếu tiếp xúc mầm bệnh". Hiện vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu không thiếu. Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ, đúng lịch để bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, nên tiêm bù sớm nhất có thể.

3 NHÓM ĐỐI TƯỢNG NÊN TIÊM VACCINE BẠCH HẦU SỚM

Theo Th.S - BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, quan niệm chỉ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em là không đúng. Vaccine phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng. Hiện nay vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván còn được Hội Y học Dự phòng Việt Nam cũng như WHO và CDC Mỹ khuyến cáo tiêm cho phụ nữ đang mang thai từ 27 đến 36 tuần thai.

Đối với trẻ em, bệnh bạch hầu được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Cụ thể, lịch tiêm vaccine phối hợp chứa thành phần bạch hầu cho trẻ em như sau: Lần 1: Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Lần 2: Ít nhất một tháng sau lần 1. Lần 3: Ít nhất một tháng sau lần 2. Mũi nhắc lại (lần 4): Tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Mũi nhắc lại giảm liều: Khi trẻ đủ 7 tuổi để duy trì miễn dịch lâu dài…

Hiệu quả của vaccine bạch hầu đạt khoảng 97%, miễn dịch có hiệu quả lên đến 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu không tiêm mũi vaccine nhắc lại sau mỗi 10 năm vẫn có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Theo các chuyên gia, các đối tượng tiêm vaccine bạch hầu cần được ưu tiên bao gồm:

Trẻ nhỏ: Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng bạch hầu thụ động từ mẹ, là một trong những đối tượng cần đi tiêm phòng sớm. Trẻ em dưới 15 tuổi cũng được đánh giá là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do thường bỏ qua nhiều mũi nhắc quan trọng trong đời, rơi vào "khoảng trống miễn dịch". Hiện nay có vaccine phối hợp 6 trong 1 hoặc Vaccine 4 trong 1 dành cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi…

Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng bạch hầu thụ động từ mẹ, là một trong những đối tượng cần đi tiêm phòng sớm.
Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng bạch hầu thụ động từ mẹ, là một trong những đối tượng cần đi tiêm phòng sớm.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Tiêm phòng vaccine bạch hầu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là biện pháp bảo vệ hiệu quả, vừa giúp bảo vệ người mẹ, vừa giúp bảo vệ trẻ giai đoạn sớm nhờ lượng kháng thể người mẹ truyền qua. Hiện có vaccine 3 trong 1 được khuyến cáo tiêm khoảng 27 - 36 tuần tuổi thai để bé được bảo vệ trong thời gian đầu sau sinh. Nếu thai phụ được tiêm trước tuần 27 không cần tiêm lại trong khoảng 27 - 36 tuần. 

Người lớn tuổi và người chưa tiêm vaccine: Người già có nhiều bệnh nền mạn tính, biến chứng tim, thận,… hoặc người bệnh có sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong cơ thể như thay tim nhân tạo, đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch… có nguy cơ dễ lây nhiễm bệnh cao.

Triệu chứng tại chỗ sau tiêm ở người lớn được báo cáo thường xuyên nhất là đau tại chỗ tiêm (62–94%), nhưng không có báo cáo nào về tình trạng đau dữ dội; đỏ và sưng tấy có đường kính từ 5 cm trở lên khoảng 13%. Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng tại chỗ tương tự nhau sau khi chủng ngừa TdaP (Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván) và Td (vắc xin bạch hầu - uốn ván).

Các triệu chứng chung được báo cáo thường xuyên nhất là đau đầu và mệt mỏi (20 – 50%). Có thể sốt nhẹ, không có báo cáo sốt trên 39°C. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo.