WHO đưa ra mức cảnh báo cao về phấn rôm trẻ em
Phấn rôm còn gọi là phấn thơm được nhiều người lựa chọn để xoa ngoài da, giúp da trẻ không bị ẩm ướt vì mồ hôi hay bị mẩn ngứa do tã lót. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới vừa phân loại bột talc là chất "có thể gây ung thư" cho con người…
Quyết định được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO (IARC) đưa ra hôm 8/7. Cơ quan này đã chỉ ra một số "bằng chứng hạn chế" cho thấy bột talc có thể gây ung thư buồng trứng ở người, "bằng chứng đầy đủ" rằng nó liên quan ung thư ở chuột và "bằng chứng cơ học mạnh mẽ" cho thấy nó có dấu hiệu gây ung thư trong tế bào người.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu khoa học hiện có, nhóm công tác gồm 29 chuyên gia quốc tế đã phân loại bột talc vào nhóm nhiều khả năng gây ung thư cho con người - nhóm 2A", thông cáo báo chí của IARC viết. Có màu trắng, mịn, không mùi và không tan trong nước, bột talc được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như một chất độn cho giấy, nhựa, sơn, cao su, cáp điện, gốm sứ.
Trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, talc được biết đến như một thành phần có trong nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da từ phấn nền, kem nền, kem che khuyết điểm cho đến phấn phủ và mặt nạ. Mặc dù vậy, ứng dụng nổi tiếng nhất của loại bột này đến từ sản phẩm phấn rôm dành cho trẻ em được công ty dược phẩm Johnson & Johnson cho ra mắt vào năm 1894.
Sản phẩm phấn rôm trẻ em được phát triển bởi tiến sĩ Frederick B. Kilmer, giám đốc khoa học của Johnson & Johnson, sau khi ông nhận thấy loại bột này có tác dụng làm dịu các kích ứng trên da, chống hăm cho trẻ em sau khi đeo tã. Phấn rôm chứa bột talc của Johnson & Johnson đã được sử dụng trong suốt hơn 100 năm, cho đến năm ngoái, 2023, công ty tuyên bố sẽ dừng bán hoàn toàn sản phẩm này trên thị trường toàn cầu.
“Có rất nhiều nghiên cứu liên tục cho thấy sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng ở những người tự báo cáo sử dụng bột cơ thể ở vùng đáy chậu", Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết. "Ung thư buồng trứng cũng được quan sát thấy trong các nghiên cứu về phơi nhiễm nghề nghiệp của phụ nữ tiếp xúc với bột talc trong ngành giấy".
Khi các nhà khoa học cho những con chuột thí nghiệm phơi nhiễm với bột talc, họ quan sát thấy tỷ lệ mắc ung thư tủy thượng thận và ung thư phổi tăng lên. Trong khi đó, chuột đực cũng xuất hiện các khối u ở tuyến thượng thận. "Cuối cùng, Chuyên khảo IARC sử dụng các đặc điểm chính của chất gây ung thư (KC) để đánh giá một cách có hệ thống bằng chứng cơ học về khả năng gây ung thư của các chất. Có bằng chứng cơ học mạnh mẽ cho thấy bột talc có các tính chất của chất gây ung thư KC, bao gồm gây viêm mãn tính (KC6) và làm thay đổi dinh dưỡng tế bào, tăng sinh và gây chết tế bào (KC10)", thông cáo báo chí của IARC viết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý bột talc trong một số nghiên cứu bị nhiễm amiăng gây ung thư. "Các nhà khoa học chưa thể quyết định loại bột này là nguyên nhân duy nhất và độc lập gây ung thư", cơ quan công bố trên tạp chí The Lancet Oncology. Dù vậy, dựa trên các bằng chứng hiện có, IARC xếp bột talc vào nhóm 2A trong bảng phân loại các hợp chất có khả năng gây ung thư. Theo quy định của IARC, một tác nhân có thể được phân loại vào nhóm 2A khi có bằng chứng hạn chế về khả năng gây ung thư ở người, bằng chứng đầy đủ về khả năng gây ung thư ở động vật thí nghiệm.
Các tác nhân gây có nhiều khả năng gây ung thư trong Nhóm 2A từng được biết đến trước đây bao gồm: thịt đỏ, thuốc trừ sâu, đồ uống nóng trên 65 độ C, hơi bốc lên từ chảo nóng... Trong khi đó, Nhóm 2B là các tác nhân có khả năng gây ung thư cho con người nhưng chưa có đủ bằng chứng để kết luận, bao gồm chì, khí thải từ phương tiện giao thông, hóa chất ở tiệm làm tóc… Đây là phân nhóm thấp hơn Nhóm 1, là các tác nhân gây ung thư cho con người, đã có đủ bằng chứng cả trên người và trên động vật chứng minh cho điều đó (thuốc lá, phóng xạ, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp…)
Theo AFP, thông báo của IARC đưa ra ba tuần sau khi gã khổng lồ dược phẩm và mỹ phẩm Johnson & Johnson đồng ý trả 700 triệu USD để giải quyết các cáo buộc về sản phẩm phấn rôm gây ung thư. Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án liên bang New Jersey (Mỹ) vào đầu tuần này, được hàng nghìn phụ nữ đại diện cho những người đã được chẩn đoán mắc ung thư hoặc có thể mắc căn bệnh này trong tương lai do sử dụng phấn rôm trẻ em và các sản phẩm bột talc khác của tập đoàn Johnson & Johnson.
Đơn kiện này không bao gồm hơn 61.000 người đã nộp đơn kiện cá nhân đối với Johnson & Johnson, với cáo buộc sản phẩm của hãng có chứa amiăng gây ung thư. Công ty này đang tìm cách dàn xếp các vụ kiện bằng thỏa thuận trị giá 6,48 tỷ USD thông qua kế hoạch phá sản. Để được chấp thuận cho giải quyết bằng tuyên bố phá sản, Johnson & Johnson cần sự đồng ý của 75% số nguyên đơn. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt các vụ kiện đang diễn ra, ngăn chặn các vụ kiện trong tương lai và không cho phép mọi người rút khỏi thỏa thuận.
Các phiên tòa xét xử các vụ kiện bột talc của Johnson & Johnson cho đến nay có kết quả trái ngược. Johnson & Johnson đã phải chịu một phán quyết bồi thường 2,1 tỷ USD vào năm 2021 cho 22 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng. Nhưng vào tháng 4/2024, Johnson & Johnson đã thắng kiện liên quan đến ung thư buồng trứng, dù ngay sau đó phải bồi thường 45 triệu USD trong một vụ kiện về bệnh mesothelioma...
Mặc dù kiên quyết phủ nhận những cáo buộc về khả năng gây ung thư của bột talc có sản phẩm của mình, vào năm ngoái, Johnson & Johnson đã tuyên bố ngừng sản xuất và phân phối phấn rôm cho trẻ em chứa bột talc ra thị trường toàn cầu. Thay vào đó, các sản phẩm của Johnson & Johnson hiện chỉ còn chứa bột ngô.
Cũng trong ngày 8/7, IARC phân loại acrylonitrile, một hợp chất hóa học được sử dụng để sản xuất polyme, là "chất gây ung thư cho con người", mức cảnh báo cao nhất. Cơ quan trích dẫn "bằng chứng đầy đủ" cho thấy chất này có thể gây ung thư phổi. Các polyme được làm bằng acrylonitril có trong mọi thứ, từ sợi quần áo đến thảm, nhựa và các sản phẩm tiêu dùng khác.