Đề phòng ngộ độc thực thẩm do… tủ lạnh
Nắng nóng là điều kiện, môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Đó là lý do mỗi khi mùa nắng nóng bắt đầu, nỗi lo ngộ độc thực phẩm lại tăng cao.

Bên cạnh đó, các điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, sự phát triển của các loại côn trùng, ruồi nhặng, thiếu nước sạch, sử dụng nhiều nước đá không hợp vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm. Vì thế, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và mắc bệnh lây truyền qua thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm, sơ chế, bảo quản và chế biến thực phẩm.Điều đáng ngại là hầu hết các gia đình đều có tủ lạnh - công cụ hữu hiệu để bảo quản thực phẩm đặc biệt trong mùa hè. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, cứ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không lo ngộ độc thực phẩm. Trên thực tế, cách hiểu này hết sức sai lầm bởi sử dụng tủ lạnh không đúng cách cũng có thể gây hư hỏng thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.


Thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2h sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4 - 60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Vì thế, đồ ăn nấu xong nên ăn ngay, phần còn thừa nên đun lại, để nguội và cho vào hộp đậy nắp kín cất ngay vào tủ lạnh. Các thực phẩm dễ hư thối nhất là trứng bóc vỏ, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, hầu hết đều được nấu chín…Thực phẩm đóng hộp khi đã mở ra thì dễ nhiễm khuẩn hơn. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, thịt gà, trứng, salad cá ngừ, salad mì ống và bít tết tươi nên được ăn trong ba đến năm ngày sau khi đóng gói. Thịt nấu chín nên được ăn trong vòng ba đến bốn ngày. Rửa sạch trái cây và rau trước khi cất trong tủ lạnh làm chúng nhanh hư hỏng nếu còn ẩm và tủ lạnh dễ bị ô nhiễm. Nên rửa sạch, thấm khô bằng khăn giấy hoặc vải sạch trước khi cho vào tủ lạnh.
Có một sự thật là, chỉ nhiệt độ đông trên ngăn đá có thể ức chế hầu hết các loại vi sinh vật, nhưng ở các ngăn còn lại, một số loài vi sinh vật chịu được lạnh vẫn phát triển. Do đó, việc thường xuyên vệ sinh tủ lạnh cũ cũng rất cần thiết. Nên vệ sinh tủ mỗi tháng một lần để tiêu diệt vi khuẩn. Quy trình vệ sinh tủ lạnh, đầu tiên là lấy tất cả thực phẩm ra ngoài và lau sạch bề mặt tủ bằng nước xà phòng ấm. Sau đó, sử dụng giấm hoặc baking soda để vệ sinh, rồi lau khô bằng khăn giấy hoặc khăn bếp sạch. Làm sạch khay đựng đá bằng nước ấm và xà phòng, sau đó chờ khô mới đổ đầy nước trở lại và đông lạnh.
