10:39 19/02/2025

Điện hạt nhân và điện tái tạo là trụ cột ngành năng lượng Nhật Bản

Ngọc Lan

Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân trong kế hoạch năng lượng mới nhất, với khoảng 20% ​​tổng sản lượng điện của cả nước trong năm 2040 đến từ năng lượng hạt nhân. Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ chiếm khoảng 40- 50% tổng sản lượng năng lượng của Nhật Bản trong năm tài chính 2040...

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Qurren/CreativeCommons)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Qurren/CreativeCommons)

Ngày 18/2/2025, nội các Nhật Bản đã phê duyệt Kế hoạch năng lượng cơ bản, trong đó nhấn mạnh năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng không phát thải carbon chính để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai và đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Chính phủ Nhật Bản sửa đổi Kế hoạch năng lượng của mình khoảng ba năm một lần. Kế hoạch được xây dựng dựa trên Luật Chính sách Năng lượng cơ bản được ban hành vào tháng 6/2002.

Kế hoạch mới nhất, giống như các kế hoạch trước đó, thừa nhận sự cần thiết của an ninh năng lượng đối với quốc gia vốn hạn chế tài nguyên nhiên liệu hóa thạch. Chính sách này bao gồm các cam kết về các sáng kiến ​​"năng lượng sạch" nhưng nhấn mạnh vào việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và an toàn. 

Kế hoạch Năng lượng cơ bản lần thứ 7 này đặt mục tiêu năng lượng hạt nhân sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng năng lượng của cả nước trong năm tài chính 2040, gần bằng mức mục tiêu năm tài chính 2030 là 20-22% và tăng từ 8,5% trong năm tài chính 2023.

Do nhu cầu điện dự kiến ​​sẽ tăng lên tối đa 1,2 nghìn tỷ KW/giờ do sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo và các trung tâm dữ liệu, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu cao bằng cách nới lỏng các yêu cầu thay thế lò phản ứng cũ bằng lò phản ứng mới.

Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ chiếm khoảng 40- 50% tổng sản lượng năng lượng của Nhật Bản trong năm tài chính 2040, gần gấp đôi mức 22,9% được ghi nhận trong năm tài chính 2023. Nhiệt điện dự kiến ​​sẽ giảm mạnh từ 68,6% xuống còn khoảng 30- 40%.

Trước cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011, 54 lò phản ứng của Nhật Bản đã cung cấp khoảng 30% điện năng của cả nước. Tuy nhiên, trong vòng 14 tháng sau đó, sản lượng điện hạt nhân của đất nước đã bị đình trệ do chờ thay đổi về quy định.

Kể từ đó, 14 lò phản ứng đã dần hoạt động trở lại. Chính sách của đất nước kể từ năm 2014 là giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt.

Kế hoạch năng lượng mới đánh dấu sự thay đổi so với quyết tâm trước đó của chính phủ là giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011.

Để đạt được 20% thị phần điện hạt nhân vào năm tài chính 2040, phần lớn trong số 36 lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động của Nhật Bản, bao gồm cả những lò hiện đang được xây dựng sẽ phải đi vào hoạt động.

"Hiện tại, tại các khu vực Kyushu và Kansai, nơi các nhà máy điện hạt nhân đang được khởi động lại, tỷ lệ các nguồn năng lượng không phát thải carbon cao và giá điện thấp hơn tới 30% so với các khu vực khác", kế hoạch lưu ý. "Ngoài ra, lợi ích của việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đang được chuyển cho người tiêu dùng dưới hình thức giá điện thấp hơn...."

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoji Muto nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư hai nguồn năng lượng "carbon-free" (không phát thải CO2 hoặc các khí nhà kính khác trong quá trình sử dụng) để đạt mục tiêu giảm phát thải. "Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, các khoản đầu tư quy mô lớn vào nguồn năng lượng khử carbon đang được triển khai", ông cho biết.

Vào tháng 2/2023, Nội các Nhật Bản cũng đã phê duyệt chính sách cho phép xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân mới và kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hiện có từ 40 năm lên 60 năm.

Theo Kế hoạch, để đảm bảo các nguồn điện không phát thải carbon cần thiết cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân vào năm 2040 và sau đó, cần phải tính đến thực tế là cần có thời gian chuẩn bị khá dài, khoảng 10- 20 năm.

Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tiến hành triển khai cụ thể các lò phản ứng cải tiến thế hệ tiếp theo tại các địa điểm của các nhà khai thác đã quyết định ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân (chỉ khi các nhà khai thác đóng góp vào việc duy trì và phát triển các ngành công nghiệp và việc làm tại địa phương).

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục phát triển công nghệ hướng tới ứng dụng thực tế của các lò phản ứng cải tiến thế hệ tiếp theo khác, chẳng hạn như lò phản ứng nhanh, lò phản ứng khí nhiệt độ cao và năng lượng nhiệt hạch.

Nhật Bản đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 60% vào năm tài chính 2035 và 73% vào năm tài chính 2040 so với mức của năm tài chính 2013 (kết thúc vào tháng 3/2014). Nước này cam kết trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.