08:47 24/02/2025

Điều chỉnh quy hoạch Điện VIII: Hàng loạt cổ phiếu điện hưởng lợi

Tuệ Lâm

Các doanh nghiệp đang niêm yết có kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời như BGE/BCG, PC1, HDG, TTA… sẽ được hưởng lợi khi cơ chế được khơi thông.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII do Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chủ trì chiều 19/2, Bộ Công thương đã báo cáo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. 

Một số điểm chính của đề án như Tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước đến năm 2030 (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291 - 236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747 – 80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Cụ thể: Nhiệt điện than: 31.055 MW (chiếm 16,9 - 13,1%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII, công suất tăng thêm do cập nhật gam máy thực tế của các nhà máy điện.

Nhiệt điện sử dụng khí trong nước: 10.861 MW (chiếm 5,9 - 4,6%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII.

Nhiệt điện sử dụng LNG nhập khẩu: 8.824 MW (chiếm 4,8 - 3,7 %), giảm so với Quy hoạch điện VIII 13.576 MW.

Thủy điện: 33.294 - 34.667 MW (chiếm 18,2 – 14,7%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII 4.560 - 5.275 MW.

Về nguồn năng lượng tái tạo, sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt: Tổng công suất điện gió trên bờ: 27.791 – 28.058 MW (chiếm 13,2-14,4%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 3.949-5.321 MW.

Tổng công suất điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái): 46,459 – 73,416 MW (chiếm 25.3 – 31.1%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 25,867 – 52,825 MW.

Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt: 2.979 – 4.881 MW (chiếm 1,6 – 2,1%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 709 – 2.611 MW.

Lưu trữ năng lượng: 12.394 – 22.271 MW (chiếm 6,8 – 9,4 %), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 9.694 – 19.571 MW. Nguồn điện linh hoạt: 2.000 – 3.000 MW (chiếm 1,1 - 1,3%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 1.700 – 2.700 MW.

Về xuất, nhập khẩu điện và phát triển điện hạt nhân: Nguồn điện nhập khẩu là khoảng 9.360 MW (chiếm 5,1 – 4,0% tổng công suất các nhà máy điện), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 4.360 MW.

Xuất khẩu điện dự kiến đạt khoảng 5.000 – 10.000 MW trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.

Nguồn điện hạt nhân đạt khoảng từ 6.000 – 6.400 MW, vận hành giai đoạn 2030 - 2035.

Theo Chứng khoán Yuanta, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, do đó, dự báo tăng trưởng phụ tải phụ tải giai đoạn 2026-2030 sẽ ở mức từ 10,3 - 12,5%/năm. Dẫn đến tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291 – 236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747 – 80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Phần tăng thêm chủ yếu là thuỷ điện, nguồn năng lượng tái tạo, pin lưu trữ, bổ sung thêm điện hạt nhân trong khi điều chỉnh giảm nguồn nhiệt điện sử dụng khí LNG nhập khẩu do một số dự án chậm tiến độ sang sau năm 2030. Phần tăng công suất của điện mặt trời là đáng kể nhất, đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện bổ sung giữa Quốc hội điện VIII cũ và Đề án điều chỉnh do điện mặt trời có ưu điểm triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời khả năng cung ứng điện trong những năm 2026 - 2027.

Nguồn điện hạt nhân trong tương lai vẫn có chi phí xây dựng cao (do các yêu cầu đảm bảo an toàn hạt nhân khắt khe). Dự kiến Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất đạt 6.000 – 6.400 MW sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2030 - 2035. Giai đoạn đến năm 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 4.500 – 5.000 MW điện hạt nhân tại miền Bắc và khoảng 3.000 MW tại miền Trung (chủ yếu là điện hạt nhân dạng mô đun nhỏ SMR) để cung cấp nguồn điện chạy nền cho hệ thống.

Chính phủ ưu tiên trước mắt hoàn thiện văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án phát triển điện tái tạo, điện gió, điện mặt trời mái nhà… Hiện tại, vướng mắc về cơ chế khiến nhiều dự án điện gió, điện mặt trời chưa thể triển khai.

Các doanh nghiệp đang niêm yết có kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời như BGE/BCG, PC1, HDG, TTA… sẽ được hưởng lợi khi cơ chế được khơi thông. Cổ phiếu được khuyến nghị gồm TTA, REE, GEG.