07:39 24/08/2022

Định hướng phát triển đường sắt Việt Nam: Đẩy mạnh vận tải hàng hoá, mở tuyến liên vận quốc tế

Anh Tú

Tập trung phát triển vận tải hàng hóa và “vươn dài” những đoàn tàu liên vận quốc tế sẽ là định hướng lâu dài của đường sắt Việt Nam... Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42...

Khai mạc Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 tại thành phố Đà Nẵng.
Khai mạc Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 tại thành phố Đà Nẵng.

Từ ngày 23-25/8, Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 được tổ chức tại TP. Đà Nẵng với chủ đề “Phục hồi và Phát triển”.

Tham dự hội nghị thu hút 170 đại biểu và quan sát viên đến từ đường sắt 8 quốc gia trong ASEAN, gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.

Theo kế hoạch, Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2020 nhưng bị trì hoãn 2 năm do tác động của dịch bệnh Covid-19. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc xây dựng, triển khai để hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh, triển khai công tác tái cơ cấu trong điều kiện khó khăn vừa qua và trong thời gian tới, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Ông Cảnh tin tưởng rằng hội nghị là cơ hội để đường sắt các nước ASEAN và các đối tác liên quan chia sẻ kinh nghiệm để quản lý, vận hành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối khu vực, thể hiện vai trò xương sống trong hệ thống giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, cũng như sự thịnh vượng chung của cộng đồng ASEAN.

Là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid, vận tải hành khách bằng đường sắt nhiều lúc "điêu đứng" nhưng ngành đường sắt lại tìm ra lối đi riêng bằng cách đẩy mạnh vận tải hàng hoá, bù đắp sự sụt giảm nguồn thu.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh,  trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, đường sắt Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container đi quốc tế.

 

"Việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch Covid-19 mà còn là định hướng lâu dài của đường sắt Việt Nam", ông Đặng Sỹ Mạnh khẳng định.

Bởi đường sắt là phương thức vận tải mang nhiều ưu việt, an toàn và mang lại hiệu quả cao.

"Vận tải đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ tạo ra được các chuỗi vận chuyển góp phần đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế - xã hội giữa các nước trong khu vực và thế giới", ông Mạnh cho hay.

Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN là hoạt động thường niên được đường sắt các nước ASEAN luân phiên tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các Tổng Giám đốc, các nhà quản lý, điều hành đường sắt ASEAN thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển và khai thác hiệu quả đường sắt trong khu vực.

Hội nghị cũng là cơ hội để các tổ chức quốc tế, các nước có đường sắt phát triển trong khu vực và các nhà sản xuất, cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ, thiết bị chuyên ngành đường sắt cập nhật thông tin về phát triển đường sắt trong khu vực ASEAN, tìm hiểu cơ hội hợp tác và giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực đường sắt.

Sau lễ khai mạc là phiên họp toàn thể. Với việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Thư ký và thông qua chương trình nghị sự, hội nghị sẽ chia thành 3 nhóm công tác họp đồng thời, gồm nhóm "Tổng Giám đốc", nhóm "Công tác kỹ thuật" và nhóm "Công tác Vận hành & Marketing".

Theo đó, nhóm "Tổng Giám đốc" tập trung vào thảo luận các vấn đề cùng quan tâm như kế hoạch phát triển mạng đường sắt, chiến lược phát triển đường sắt tại các quốc gia thành viên.

Nhóm "Công tác kỹ thuật" và nhóm "Công tác Vận hành & Marketing" tập trung vào việc chia sẻ những kinh nghiệm trong vận hành, quản lý hệ thống đường sắt, bài học từ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, các chiến lược marketing và vận hành hiệu quả để thích ứng với trạng thái bình thường mới...