Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43 phát hành ngày 24-10-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh mạnh 33% trong năm 2022 dưới tác động tiêu cực của xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, hàng loạt quỹ đầu tư cũng đang cảm nhận áp lực này, khi ghi nhận mức thua lỗ rất lớn, thậm chí tới trên 30%.
Dù vậy, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, thậm chí là chính từ các quỹ đầu tư đang nếm trải khó khăn của thị trường, sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng điều hành chính sách linh hoạt đã giúp giảm ảnh hưởng từ xu hướng tăng giá phi mã của đồng USD cũng như mặt bằng lãi suất tăng vọt khắp thế giới và duy trì đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Xu hướng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam mới là sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư dài hạn bất chấp nhưng rắc rối trong ngắn hạn.
Trái ngược với những lo ngại về sức mạnh của đồng USD tăng lên cộng với mặt bằng lãi suất cao sẽ khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển ngược. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí xuất hiện thêm các quỹ đầu tư mới.
Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay dòng vốn ngoại vẫn mua ròng khoảng 1.294 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó riêng từ đầu tháng 10/2022 – thời điểm thị trường điều chỉnh sâu nhất – mức mua ròng đạt 1.862 tỷ đồng. Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán vẫn thực hiện rất tốt nhiệm vụ huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị đăng ký phát hành cổ phiếu của khối doanh nghiệp (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán) đạt 106.989 tỷ đồng, bằng 87% giá trị phát hành của cùng kỳ năm 2021; tổng giá trị phát hành thực tế đạt 108.634 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm các đợt chào bán, phát hành của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán) đạt 27.755 tỷ đồng, bằng 77% so với cùng kỳ năm 2021; Tổng giá trị phát hành thực tế đạt 33.721 tỷ đồng, bằng 117% so với cùng kỳ năm trước.
Để hiểu và cập nhật thêm về xu hướng dòng vốn đầu tư đã, đang và sẽ dịch chuyển như thế nào, trong số báo ra sáng thứ Hai, 24-10-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện “Dòng vốn đầu tư vượt sóng gió”.
Bao gồm các bài viết:
- Dòng vốn nghịch đảo trên thị trường chứng khoán. Suốt quãng thời gian 2020-2021 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của thanh khoản trong giao dịch, khi dòng vốn dư thừa theo đúng nghĩa đen – do bế tắc trong hoạt động kinh doanh và dừng các trò cá cược, bóng đá, xổ số - chảy vào tìm kiếm cơ hội sinh lời. (Khánh Hà).
- Chứng khoán Việt Nam sụt giảm, nhiều quỹ vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tăng trong dài hạn. Mức sụt giảm 276 điểm trong tháng 9 tương ứng mức giảm 500 điểm từ đầu năm 2022 đến thời điểm 30/9/2022 khiến VN-Index trở thành chỉ số rơi mạnh nhất toàn cầu. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân trong nước thua lỗ, rút lui mà nhiều quỹ ngoại cũng báo lỗ kỷ lục. (Kiều Linh).
- Vốn đầu tư gián tiếp vẫn ở lại Việt Nam. Bất chấp những biến động khó lường trên thế giới cùng xu hướng chuyển dịch dòng tiền về các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vẫn chưa rời bỏ thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, thị trường vừa đón nhận thêm một quỹ ETF mới đến từ Hong Kong. (Vũ Phong).
- Đầu tư thời lạm phát: Giới đầu tư toàn cầu đang bán tháo cổ phiếu. Khi lạm phát toả sức nóng hầm hập khắp nền kinh tế toàn cầu và các ngân hàng trung ương đua nhau tăng lãi suất nhằm hãm đà leo thang của giá cả, mối lo suy thoái kinh tế đang chi phối tâm lý trên thị trường tài chính. Hầu hết các lớp tài sản đều bị bán, dẫn tới một câu hỏi được đặt ra: nhà đầu tư đang lựa chọn kênh nào để rót tiền? (An Huy).
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
- Lạm phát, tín dụng và tỷ giá. (TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln; sáng lập QMV Group).
- Chính sách của Fed dồn các nền kinh tế mới nổi vào thế “kẹt”. (TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM và IPAG Business School Paris, thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam -AVSE).
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Bật dậy sau “ngủ đông”. (Phan Nam)
- Đàm phán VPA/FLEGT: Cuộc đấu trí gay cấn. P/v bà Nguyễn Tường Vân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam. (Chu Khôi).
- Phụ nữ là tác nhân quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. (Dũng Hiếu).
- Dòng tiền vẫn đổ vào các dự án startup Crypto. (Đức Phan).
- Khuyến khích phát triển xe điện: Quy hoạch hệ thống trạm sạc, kéo giảm giá xe điện. (Anh Tú).
- Ngành dầu khí vẫn có cơ hội trong xu thế chuyển dịch năng lượng. (Vũ Khuê).
Quý vị độc giả có thể đặt mua Tạp chí Kinh tế Việt Nam tại đây.