15:04 18/09/2007

Dòng xoáy nhân sự tài chính

Sự kiện gây chú ý nhất trong tháng vừa qua là Giám đốc Chi nhánh Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) tại Tp.HCM xin thôi việc

Tài chính, ngân hàng, chứng khoán đang là lĩnh vực phát triển nóng nhất hiện nay nên nhân sự trong lĩnh vực này trở nên khan hiếm.
Tài chính, ngân hàng, chứng khoán đang là lĩnh vực phát triển nóng nhất hiện nay nên nhân sự trong lĩnh vực này trở nên khan hiếm.
Có lẽ giới phóng viên chuyên về mảng tài chính, chứng khoán cảm nhận rõ nhất về sự hoán đổi liên tục nhân sự giữa các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư hiện nay.

Sự kiện gây chú ý nhất trong tháng vừa qua là Giám đốc Chi nhánh Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) tại Tp.HCM xin thôi việc, chuyển sang làm cho một quỹ đầu tư tài chính trong nước.

Không biết có chính xác hay không nhưng một số nhà đầu tư cho biết, giá cổ phiếu BVS trên thị trường giảm liên tục vì nhà đầu tư nước ngoài phản ứng về sự ra đi này, đã bán cổ phiếu ra. Quỹ đầu tư trong nước vừa kể trên còn kéo được Giám đốc tài chính của VinaCapital, ông T. về làm việc từ tháng 10 tới.

Trong dịp Công ty Chứng khoán FPT (FBTS) trở thành thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, người ta thấy sự xuất hiện của một cán bộ công ty chứng khoán Bảo Việt trong cương vị mới là Giám đốc mảng môi giới niêm yết của FPTS.

Phó giám đốc Chi nhánh Tp.HCM Công ty Chứng khoán Quốc tế Phan Vũ Tuấn cũng đã về làm Tổng giám đốc điều hành cho Công ty Quản lý quỹ Lộc Việt chuẩn bị ra mắt vào tháng tới.

Ở khối công ty nước ngoài cũng diễn ra sự hoán đổi về nhân sự. Peter Dining, nhân sự cấp cao vừa rời khỏi VinaCapital vài tháng nay cũng đã xuất hiện lại với chức danh Tổng giám đốc Collier Internetional. Trong khi đó, Andy Ho từ Prudential chuyển sang VinaCapital và đã chắc chân trong cương vị giám đốc mấy tháng qua.

Sự dịch chuyển nhân sự cấp cao trong ngành tài chính có thể ghi nhận được. Còn sự dịch chuyển nhân sự cấp trung cũng đang diễn ra hết sức sôi động, mà chỉ những người trong ngành mới cảm nhận được hết.

Ngoài môi trường làm việc, mức lương, phần thưởng tức thời để lôi kéo được một nhân sự cấp cao thường không được tiết lộ nhưng rất nhiều thông tin về phần thưởng để lôi kéo nhân sự cấp trung giữa các công ty chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư.

Chẳng hạn, đang từ nhân viên một công ty chứng khoán chuyển sang làm trưởng phòng, hay từ trưởng phòng chuyển sang làm phó giám đốc, giám đốc chi nhánh một công ty khác, "nhân tài" có thể có ngay trong tài khoản số cổ phiếu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Vào thời điểm đầu năm 2007, từ một cán bộ ngân hàng trong biên chế nhà nước, anh V. chuyển ra làm trưởng phòng cho một công ty chứng khoán. Đổi lại, trong tài khoản của anh V. có lượng cổ phiếu trị giá 500 triệu đồng. Số tiền đó đến nay đã nhân lên gấp đôi, gấp ba.

Điển hình nhất là các công ty chứng khoán thường lôi kéo nhân viên bằng cơ hội đầu tư. Ở các công ty chứng khoán dường như có một nguyên tắc rằng, lương chỉ là phụ, cơ hội đầu tư mới là quyết định. Một nhân viên của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, khi được tuyển vào công ty, câu chuyện về mấy chục triệu phú trẻ trong SSI đã hấp dẫn, khiến anh quên đi chuyện mặc cả về mức lương 5, 7 hay 10 triệu đồng/tháng.

Sự cạnh tranh của công ty mới để thu hút nhân sự cũng khiến các công ty cũ phải nâng cao mức lương cũng như hứa hẹn phần thưởng lớn hơn với nhân sự chủ chốt của mình. Giám đốc một ngân hàng thương mại quốc doanh lớn tâm sự, sở dĩ ông muốn tiến hành IPO vì với cơ chế hiện nay, không có cách gì giữ chân cán bộ trước sự lôi kéo hấp dẫn của các doanh nghiệp khác.

Tài chính, ngân hàng, chứng khoán đang là lĩnh vực phát triển nóng nhất hiện nay nên nhân sự trong lĩnh vực này trở nên khan hiếm. Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp phải giành giật nhân viên của nhau mang lại những rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là cán bộ của công ty này chưa tích lũy đủ kinh nghiệm quản lý lại được giao những nhiệm vụ nặng nề khi chuyển sang công ty khác, giữ chức vụ quản lý cao hơn. Hầu hết các công ty đều mới thành lập nên khả năng tự đào tạo trong doanh nghiệp còn hạn chế.

Ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia giảng dạy của Chương trình kinh tế Fulbright đánh giá, đây là một trong những biểu hiện khi tri thức trong doanh nghiệp không phát triển tương xứng với kỳ vọng phát triển doanh nghiệp. Việc mở rộng phát triển ngành nghề kinh doanh mới, nhiều rủi ro sẽ xảy ra với doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị kỹ về nhân sự, về quản trị.