Du khách Việt mạnh tay chi tiêu khi du lịch nước ngoài
Nghiên cứu thị trường của Europamundo cho thấy chỉ số hào hứng du lịch nước ngoài của du khách Việt chỉ xếp sau hai thị trường là Singapore và Indonesia; xếp trước Thái Lan và Malaysia…
Europamundo là một trong những công ty điều hành du lịch lớn nhất thế giới vừa có mặt tại Việt Nam. Khảo sát của công ty này cho thấy tỉ lệ dân số trong độ tuổi trung lưu của Việt Nam đang tăng mạnh, lên tới mức 26% vào năm 2026. Đây là bộ phận tự chủ tài chính, mong muốn khám phá nhiều điểm đến mới, nhằm tìm kiếm cơ hội gắn kết và những trải nghiệm khó quên. Đối với họ, các chuyến du lịch nước ngoài đang là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là đến những nơi mang lại trải nghiệm văn hóa sâu sắc.
Còn theo báo cáo “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt - Mùa hè 2024” (Vietnam Outbound Trends-Summer 2024) do Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du khách The Outbox Company thực hiện, điểm nổi bật của thị trường du lịch outbound Việt Nam năm 2024 tập trung ở phân khúc du khách lớn tuổi. Kết quả khảo sát ghi nhận du khách thuộc Gen X (có năm sinh từ 1965 đến 1980) là phân khúc thị trường dẫn khi có tới 58,8% du khách Gen X cho biết họ dự định sẽ thực hiện ít nhất một chuyến đi du lịch nước ngoài trong vòng 12 tháng tới.
Khảo sát cho thấy, 64,4% du khách Việt Nam lựa chọn các điểm đến gần trong khu vực châu Á cho chuyến đi kế tiếp của mình. Khách du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn trung thành với các điểm đến truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore. Trung Quốc là cái tên mới duy nhất, thay thế Đài Loan (Trung Quốc) trở thành điểm đến nổi bật mới trong top 5 điểm đến quốc tế hàng đầu được du khách Việt Nam yêu thích.
Điều này chứng tỏ du lịch nội vùng (intra-region) vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong việc lựa chọn điểm đến của khách du lịch Việt Nam giống như xu hướng chung của thế giới. Ngoài ra, du khách du lịch Việt Nam cũng đang có xu hướng “mạnh tay” hơn cho chi tiêu mua sắm trong các chuyến đi du lịch nước ngoài.
Mới đây, trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam Matsumoto Fumi cũng công nhận du khách Việt dành ngân sách lớn để mua sắm tại Nhật. Kết quả thống kê "Điều tra xu hướng tiêu dùng của khách quốc tế đến" do JNTO thực hiện trong giai đoạn tháng 7 - 9, mức tiêu dùng của khách Việt là 202.000 Yên (hơn 34 triệu đồng), tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tiêu dùng này vượt mục tiêu đặt ra của chính phủ Nhật là 200.000 Yên (33,7 triệu đồng).
Nếu tính riêng hạng mục mua sắm, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về tiêu tiền nhiều tại Nhật Bản. Theo bà Fumi, khách Việt tin tưởng và yên tâm đối với các sản phẩm sản xuất tại Nhật nên mua sắm rất nhiều, từ thiết bị điện gia dụng đến quần áo, đồng hồ, thực phẩm chức năng. Thời gian lưu trú trung bình của khách Việt là 6 - 7 ngày, các điểm đến truyền thống như cung đường vàng từ Tokyo đến Osaka được khách yêu thích.
Tương tự, ông ChattanKunjara Na Ayudhya, Phó trưởng đại diện phụ trách marketing khu vực Châu Á và Nam Thái Bình Dương của Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), nói Việt Nam là thị trường khách du lịch nước ngoài quan trọng đối với nền du lịch Thái Lan, đứng thứ 8 trong 10 thị trường có lượng khách du lịch đến Thái Lan nhiều nhất 8 tháng đầu năm.
Trong đó, mức chi tiêu của khách Việt đến Thái Lan cũng nằm trong top đầu khu vực. Ông ChattanKunjara Na Ayudhya cho hay từ sau dịch Covid-19, khách Việt du lịch xứ chùa Vàng chi trung bình 25.000 - 27.000 baht (18 - 20 triệu đồng) cho mỗi chuyến đi, bao gồm vé máy bay. "Con số này đứng top hai trong khu vực ASEAN, cùng với thị trường Brunei và Singapore, đứng đầu là Myanmar với mức chi tiêu trung bình là 40.000 baht (30 triệu đồng)", ông ChattanKunjara Na Ayudhya cho biết.
Những ngày cuối năm này, các công ty du lịch cho biết đi nước ngoài săn sale là một trong những xu hướng du lịch phổ biến của khách Việt. Phó Tổng giám đốc của Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho hay trong tuần lễ Black Friday năm nay, công ty đã tổ chức 11 đoàn du lịch đến Thái Lan, Singapore và Malaysia, mỗi đoàn 20 - 30 khách. Lịch trình tập trung vào các trung tâm mua sắm lớn và sự kiện giảm giá đặc biệt. Có 4 đoàn đặt tour thiết kế riêng, tập trung vào hoạt động mua sắm và săn sale.
Bà Phan Huỳnh Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, cho biết các đoàn đặt tour thiết kế theo yêu cầu, phục vụ hoạt động mua sắm của công ty thường là nhóm khách hàng cá nhân phân khúc cao cấp ưu tiên trải nghiệm mua sắm ở các cửa hàng độc quyền. Tour có 4 - 6 tiếng mỗi ngày dành riêng cho hoạt động mua sắm tại các trung tâm thương mại, có hướng dẫn viên am hiểu về mua sắm, hỗ trợ vận chuyển và ưu tiên di chuyển ngắn, tránh những điểm tham quan quá đông đúc hoặc không liên quan đến shopping.
Năm ngoái, vượt qua cả khách du lịch đến từ Trung Quốc và Nhật Bản, du khách Việt cũng đã trở thành những người chi tiêu nhiều tiền nhất tại Hàn Quốc, theo BC Card. Tại thời điểm đó, mức chi tiêu của khách Việt vượt qua mức chi tiêu bình quân của khách Nhật Bản với 188.000 won/lần quẹt thẻ, Trung Quốc với 171.000 won/lần quẹt thẻ, Đài Loan (Trung Quốc) với 126.000 won/lần quẹt thẻ và khách Mỹ với 109.000 Won/lần quẹt thẻ.
Tờ Chosun Ilbo nhận định, khách Việt chủ yếu tiêu tiền ở các cửa hàng miễn thuế, cửa hàng bách hóa, bệnh viện, các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như nhân sâm, mỹ phẩm... Trong một cuộc khảo sát của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, hầu hết du khách Việt Nam cho rằng mua sắm, du lịch ẩm thực, chăm sóc sắc đẹp và du lịch chữa bệnh là những lý do hàng đầu khiến họ đến thăm Hàn Quốc.
Giám đốc Quốc gia Agoda Việt Nam, ông Vũ Ngọc Lâm chia sẻ mặc dù nguồn tài chính thắt chặt hơn, nhưng 90% du khách Việt đã kế hoạch ngân sách du lịch năm 2025 ở mức tương đương hoặc nhiều hơn so với năm 2024. Trong đó, 29% dự định tăng ngân sách, 61% sẽ duy trì mức chi tiêu như năm 2024 để khám phá những hành trình thú vị trong năm tới. Tâm lý này đúng với dữ liệu từ Agoda khi có tới 86% người được khảo sát tiết lộ dự định duy trì hoặc tăng số lượng chuyến đi so với năm 2024.
Với niềm đam mê khám phá những chân trời mới, gần 40% du khách Việt ấp ủ kế hoạch chinh phục những điểm đến nước ngoài trong năm tới. Đáng chú ý, 94% người tham gia khảo sát nhận định năm 2025 sẽ là năm của những "điểm đến mới.” Nhiều du khách mong muốn trải nghiệm tại những vùng đất mới, cả trong nước và quốc tế, thay vì quay lại những điểm đến quen thuộc.