18:24 28/05/2012

EVN còn độc quyền, Nhà nước phải định giá bán lẻ điện

Nguyên Hà

Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn khác nhau của dự thảo Luật Giá

Tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện.
Tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền hoàn toàn về phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, khai thác điện thì Nhà nước phải định giá cụ thể đối với giá bán lẻ điện, không để doanh nghiệp tự định giá, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Giá, sáng 28/5.

Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày trước khi các đại biểu thảo luận nhấn mạnh, điện là mặt hàng độc quyền kinh doanh. Trong điều kiện giá điện thường xuyên biến động như hiện nay, việc phải kiểm soát, giữ ổn định giá điện là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm đúng định hướng thị trường thì có khâu Nhà nước định giá cụ thể, có khâu Nhà nước chỉ quy định khung giá, đồng thời quy định cơ chế điều chỉnh trong khung.

Cụ thể dự thảo luật quy định, Nhà nước định mức giá cụ thể đối với: giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu hiện đang thuộc độc quyền nhà nước.

Đối với các khâu: phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.

Dự luật cũng được chỉnh sửa theo hướng Nhà nước quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Đồng ý Nhà nước phải định giá giá bán lẻ của điện, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh, chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá. “Nếu chúng ta thả cái này ra thì ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng ngay”, ông Mạo phát biểu.

Vì vậy, quy định ở dự luật là "Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân" khiến vị đại biểu này băn khoăn về tính khả thi.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân được hiểu là ngành điện bán với nhiều giá cho nhiều đối tượng và sau một thời kỳ thì tính bình quân giá bán bằng cách lấy doanh số bán ra của điện chia cho tổng sản lượng điện đã bán để tính giá bình quân. Nhà nước quản lý thế nào, để biết doanh nghiệp đó bán đúng giá quy định của Nhà nước?

"Giữa năm tôi có thể tôi bán giá cao hơn giá Nhà nước nhưng cuối năm tôi hạ thấp giá của một đối tượng nào đó để cuối năm tôi bình quân đúng giá nhà nước thì giữa chừng cơ quan nhà nước không thể can thiệp vào để xét là doanh nghiệp đó có bán đúng giá nhà nước hay không", ông Mạo lường trước tình huống.

Giả thiết thêm vài tình huống khác khi giá điện có điều chỉnh sau khi đầu năm đã có quy định giá điện bình quân, ông Mạo cho rằng quy định như dự luật mới nghe có vẻ hợp lý nhưng nghiên cứu kỹ trong quá trình quản lý để thực hiện vấn đề này thì không khả thi.

"Tôi đề nghị giữ nguyên cách quy định như hiện hành với cơ chế là nhà nước, Chính phủ quy định giá bán lẻ thì có thể có cơ sở để quản lý hơn", đại biểu Mạo nói.

"Về nguyên tắc, đa số thống nhất là giá điện Nhà nước phải quản lý và phải tham gia định giá vì đây là một mặt hàng độc quyền của Nhà nước ở một số khâu. Tuy nhiên đề nghị phương pháp tính như thế nào, định giá như thế nào, nhất là khung giá bán lẻ điện bình quân phải cho phù hợp và có tính khả thi", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói khi kết thúc phiên thảo luận.