10:50 22/05/2007

G8 còn chia rẽ và thiếu cam kết cụ thể

Quốc Trung

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8 vừa kết thúc sau 2 ngày họp tại Potsdam mà vẫn chưa đạt được sự thống nhất và những cam kết cụ thể

G8 khẳng định kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh và ngày càng cân đối giữa các khu vực trong thời gian tới.
G8 khẳng định kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh và ngày càng cân đối giữa các khu vực trong thời gian tới.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G8) vừa kết thúc sau 2 ngày họp tại Potsdam (Đức).

Nhóm này đã thống nhất để Mỹ toàn quyền chọn Chủ tịch mới cho Ngân hàng thế giới (WB), nhưng vẫn bất đồng về vấn đề các quỹ đầu tư quốc tế.

Hội nghị này là bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8, sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới, cũng ở Đức. Các quy định về quỹ đầu tư quốc tế, viện trợ cho châu Phi, năng lượng và biến đổi khí hậu, vấn đề lựa chọn Chủ tịch WB... là những chủ đề bao trùm hội nghị.

Không can thiệp việc Mỹ chọn Chủ tịch WB

Trong thông cáo kết thúc hội nghị (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Nga), các bộ trưởng tài chính G8 khẳng định kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh và ngày càng cân đối giữa các khu vực trong thời gian tới. Các nguy cơ đối với triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu đã giảm, nhưng tình trạng giá nhiên liệu cao và dễ biến động vẫn là một mối lo ngại buộc các nước phải cảnh giác. Các nước G8 cam kết tiếp tục theo đuổi các chính sách hợp lý để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế lâu dài và cân bằng, đồng thời hỗ trợ việc điều chỉnh những sự mất cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu...

Hội nghị lần này của G8 diễn ra giữa lúc Chủ tịch WB Wolfowitz tuyên bố từ chức. Việc lựa chọn người kế nhiệm ông này cũng là vấn đề được Hội nghị quan tâm. Qua bàn thảo, các nước G8 đã quyết định để Mỹ toàn quyền lựa chọn tân Chủ tịch WB. Động thái này nhằm tháo ngòi nổ mâu thuẫn xuyên Đại Tây Dương, xung quanh việc tìm người thay Wolfowitz, đã được dư luận quan tâm nhiều ngày qua.

Một nguồn tin từ hãng AFP cho biết, Pháp sẽ “không tìm cách kiếm lợi từ sự bất hạnh này” tại WB nhằm “thay đổi cán cân quyền lực vốn đã được quy định trong Hiệp ước Bretton Woods”, khai sinh WB và IMF vào cuối thập niên 40 (theo đó Chủ tịch WB là người Mỹ; Giám đốc IMF là người EU).

Tuy nhiên nguồn tin này cho biết, không loại trừ khả năng sẽ có một số thay đổi “trong khuôn khổ cải cách cần thiết của WB”. Trong các cuộc thảo luận tại Posdam, các bộ trưởng Tài chính Đức và Nhật Bản nói, họ cũng không phản đối việc Mỹ có quyền lựa chọn Chủ tịch mới của WB. Các thành viên khác của G8 cũng phát đi tín hiệu cho thấy họ không có ý định làm đảo lộn vấn đề hết sức nhạy cảm trong quan hệ EU-Mỹ này.

Chia rẽ về vấn đề quỹ đầu tư quốc tế

Về vấn đề quỹ đầu tư quốc tế, các nước G8 tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận những diễn biến mới đây trên thị trường tài chính toàn cầu, nhưng đã bất đồng với Đức và không bàn thảo về bộ "Quy tắc ứng xử tự nguyện" theo đề xuất của Đức. Quỹ đầu tư quốc tế chủ yếu dành cho các nước giàu, thường được triển khai không theo quy tắc nào, vì vậy, Đức muốn đạt được một thỏa thuận giữa các nước G8 về bộ quy tắc nói trên trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch G8 trong năm nay.

Đức đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, do việc xuất hiện các quỹ đầu tư-các công cụ mang tính đầu cơ cao, hiện quản lý số tài sản khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Với mục tiêu lâu nay là nhằm ngăn chặn “hiệu ứng đôminô” trong trường hợp một vài quỹ đầu tư lớn bị phá sản có thể gây tác động tiêu cực hệ thống tài chính toàn cầu, Đức đã phát động chiến dịch tăng cường tính minh bạch; kêu gọi đặt ra các quy định kiểm soát đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, đề nghị này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt, đặc biệt của Mỹ và Anh, hai nước vốn là trụ sở của khoảng 9.000 quỹ đầu tư.

Dư luận cho rằng, việc không đạt được tiến bộ cụ thể nào trong vấn đề kiểm soát các quỹ đầu tư là một đòn giáng vào Bộ trưởng Tài chính Đức Steinbrueck. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một bất ngờ, bởi bước vào Hội nghị, ông Steinbrueck đã thừa nhận phải mất một thời gian dài nữa mới đạt được thoả thuận về vấn đề này. Theo ông, tiến trình thảo luận này sẽ còn tiếp diễn “ít nhất cho đến khi chức Chủ tịch G8 của Đức kết thúc”.

Về vấn đề viện trợ cho châu Phi, tại hội nghị trên, các bộ trưởng tài chính G8 không đưa ra một cam kết cụ thể nào và chỉ tái khẳng định sẽ thực hiện trách nhiệm của họ với tư cách là các nhà tài trợ. Các bộ trưởng tài chính G8 nhất trí vấn đề viện trợ cho châu Phi sẽ là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G8 vào tháng 6 tới ở Đức.

Tại hội nghị G8 ở Anh cách đây 2 năm, các nước G8 cam kết tăng viện trợ cho các nước đang phát triển lên khoảng 50 tỷ USD/năm vào năm 2010, trong đó một nửa được dành cho châu Phi. Tuy nhiên, theo Hội đồng vì sự tiến bộ của châu Phi, do cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan đứng đầu, các nước G8 khó có thể thực hiện được mục tiêu này. Tại Hội nghị lần này, G8 cũng cam kết viện trợ cho Nam Phi, nhưng khẳng định Nam Phi phải chịu trách nhiệm quản lý hợp lý nguồn tài trợ.