18:23 16/06/2022

Gấp rút đầu tư công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, sớm phá thế “độc đạo” Quốc lộ 51

Anh Tú

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài gần 54 km được thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đồng bộ vào năm 2026, cao tốc này sẽ giúp phá thế “độc đạo” của Quốc lộ 51 và trở thành tuyến đường huyết mạch phát triển vùng Đông Nam bộ....

Quốc lộ 51 hiện quá tải, thường ùn tắc ở các giao lộ.
Quốc lộ 51 hiện quá tải, thường ùn tắc ở các giao lộ.

Ngày 16/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua; khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: Quoihoi.vn
  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: Quoihoi.vn

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư do khả thi về mặt tài chính, nhà đầu tư quan tâm để giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế. 

Hồi đáp vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, dự án nhận được sự quan tâm của một liên danh nhà đầu tư đề nghị giao thực hiện dự án. Bộ Giao thông vận tải làm việc với liên danh nhà đầu tư này.

Tuy nhiên, "đánh giá sơ bộ tiến độ đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định về trình tự thủ tục về lựa chọn, đấu thầu nhà đầu tư, ký kết hợp đồng... khó đáp ứng tính cấp thiết đầu tư của dự án", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, đồng thời thực tế triển khai một số dự án BOT thời gian qua cho thấy tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra và khó xác định được thời gian hoàn thành. Do đó, nếu triển khai theo phương thức đối tác công tư sẽ không bảo đảm được tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công.

Một số ý kiến cho rằng thiết kế với quy mô 4 làn xe và bố trí điểm dừng xe khẩn cấp là không đáp ứng nhu cầu vận tải, khó bảo đảm an toàn giao thông, dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, do đó, đề nghị thiết kế có làn dừng khẩn cấp và quỹ đất dự trữ nhằm mở rộng đường khi cần thiết. 

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm rõ, trong thời gian đầu khi lưu lượng giao thông chưa quá cao, việc đầu tư theo phương án phân kỳ giai đoạn 1 của dự án đầu tư với quy mô 4 - 6 làn xe là phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 6 - 8 làn xe hoàn chỉnh để thuận lợi cho việc mở rộng về sau và bảo đảm tầm nhìn dài hạn.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng thời gian triển khai theo tiến độ yêu cầu rất ngắn, trong bối cảnh, nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng được triển khai thực hiện sẽ khó bảo đảm được tiến độ hoàn thành dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, để bảo đảm tiến độ cho dự án, Chính phủ đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Do đó, trường hợp được Quốc hội thông qua việc tổ chức thực hiện dự án sẽ rút ngắn được thời gian hơn so với thông thường.

Làm rõ vai trò của Bộ Giao thông vận tải trong việc phối hợp với các địa phương khi tham gia đầu tư vào các dự án thành phần, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và tiến độ hoàn thành dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương chủ quản đầu tư; tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác đối với các dự án thành phần là đường cao tốc.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1

Sau khi nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 với 475/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội.

 

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Đầu tư khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64 ha.

Theo Nghị quyết, dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Nghị quyết cũng quy định việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt.

Nghị quyết cũng quy định rõ những nội dung Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội; các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện.

 

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp phá thế “độc đạo” của Quốc lộ 51, đồng thời, giải quyết tình trạng quá tải của lưu lượng xe và giảm tai nạn trên tuyến Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian đi lại từ TP. Biên Hòa đến TP. Vũng Tàu từ 2 giờ xuống còn 1 giờ. 

Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển bao gồm kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (có 12,6 km đi trùng tuyến này), từ đó, phát triển vùng Đông Nam bộ.