09:21 14/01/2012

Giá hàng hóa thế giới chao đảo phiên cuối tuần

Diệp Anh

Thông tin Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng một loạt nước châu Âu đã khiến giá của hàng loạt mặt hàng như vàng, dầu lao dốc

Ngay sau quyết định này của Standard & Poor’s, đồng Euro đã rớt xuống mức 1,2624 USD/Euro, thấp nhất kể từ ngày 25/8/2010.
Ngay sau quyết định này của Standard & Poor’s, đồng Euro đã rớt xuống mức 1,2624 USD/Euro, thấp nhất kể từ ngày 25/8/2010.
Thông tin tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s hạ bậc tín dụng của 9 nước thành viên Khu vực đồng Euro đã khiến giá trị đồng tiền chung châu Âu sụt mạnh, kéo theo giá của hàng loạt mặt hàng như vàng, dầu… lao dốc.

Việc Standard & Poor’s quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của 9 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó có Pháp và Áo, được xem là một đòn giáng mạnh vào triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Ngay sau quyết định này của Standard & Poor’s, đồng Euro đã rớt xuống mức 1,2624 USD/Euro, thấp nhất kể từ ngày 25/8/2010 và giảm 0,3% trong 5 ngày qua. Tới 5h sáng nay (14/1), đồng Euro đứng ở mức 1,268 USD, giảm 1,1%.

Như vậy, đồng tiền chung châu Âu đã giảm giá tuần thứ 6 liên tiếp so với USD, chuỗi giảm dài nhất trong gần 2 năm. So với Yên, đồng Euro cũng giảm tới 0,8% trong phiên 13/1 và giảm 0,3% trong cả tuần.

Dầu thô tiếp tục hạ nhiệt

Chốt phiên giao dịch ngày 13/1, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 2 giảm thêm 40 cent, tương ứng 0,4%, xuống 98,70 USD/thùng trên sàn New York. Tính chung cả tuần qua, dầu thô hợp đồng đã giảm được 2,8%.

Ngoài yếu tố đồng USD tăng giá, giá dầu hạ nhiệt còn bởi những báo cáo cho biết châu Âu sẽ hoãn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng của Iran nhằm gia hạn thêm thời gian cho các quốc gia khu vực tìm nguồn dầu thay thế.

Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, giá dầu thô giao sau tại thị trường New York sẽ đạt mức bình quân 100 USD/thùng trong năm 2012, cao hơn 5 USD so với 2011.

Năm 2011, giá dầu WTI đã tăng 15 USD so với năm 2010, lên bình quân 94,87 USD/thùng, do cuộc nội chiến ở Libya làm giảm nguồn cung ra thị trường thế giới, giữa lúc nhu cầu mạnh từ các thị trường đang nổi.

Cùng chiều với thị trường dầu thô, giá khí tự nhiên giao tháng 2 giảm 1,1% xuống 2,68 USD/ triệu BTU. Giá dầu sưởi giao cùng hạn giảm 0,7% xuống 3,03 USD/gallon. Trong khi giá xăng giao tháng 2 tăng lên 2,734 USD/gallon.

Giá vàng rớt mạnh

Chịu tác động mạnh từ diễn biến mới ở châu Âu, giá vàng kỳ hạn tháng 2 trên sàn Comex ở New York đã trượt giảm 16,9 USD, tương ứng 1%, xuồng 1.630,8 USD/ounce. Trước đó giá còn xuống 1.625,7 USD. Tuy nhiên, tính cả tuần, vàng kỳ hạn tăng 0,9%.

Trên sàn giao dịch trực tuyến Kitco, tính tới 6h35 sáng nay (14/1), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.639,7 USD/ounce, giảm 8,9 USD/ounce so với mức đóng cửa trong phiên giao dịch liền trước.

Cùng chiều với vàng, các mặt hàng kim loại quý khác cũng giảm sâu. Bạc giao tháng 3 giảm 2% xuống 29,52 USD/ounce. Palladium cùng kỳ hạn giảm 1% xuống 635,05 USD/ounce. Bạch kim giao tháng 4 giảm 0,8% xuống còn 1.488,8 USD/ounce.

Thị trường nông sản đỏ lửa

Việc đồng Euro sụt giá mạnh 1% là nguyên nhân chính khiến giá nhiều mặt hàng nông sản rớt mạnh trong phiên cuối tuần. Giá ca cao giao sau giảm tới 57 USD, tương ứng 2,45%, xuống 2.269 USD/tấn. Giá ngô giảm 1,96% xuống 599,5 cent/bushel.

Giá gạo chưa xay xát giảm 0,89% xuống 14,44 USD/cwt trên sàn CBOT. Giá đậu tương giảm 2,05% xuống mức 1.158,25 cent/bushel. Giá len trên sàn SFE giảm 1,08% xuống đóng cửa ở 1.370 cent/kg.

Giá cà phê arabica giảm mạnh 3,7% xuống 225,25 cent/lb. Năm 2011, giá cà phê arabica tại New York giảm 5,7% sau hai năm liên tiếp tăng. Tuy nhiên, 2011 cũng chứng kiến những kỷ lục giá cao nhất trong nhiều năm trên thị trường này.

Tổ chức cà phê quốc tế ICO dự báo, tổng sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2011/12 giảm xuống 128,6 triệu bao. Ảnh hưởng của thời tiết bất lợi làm cho sâu bệnh gia tăng, sản lượng sụt giảm ở một số khu vực sản xuất cà phê.