Giá kim loại đồng có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất
Nhu cầu tiêu thụ đồng được giới chuyên gia coi là chỉ báo quan trọng về sức khỏe kinh tế...
Giá kim loại đồng trên thị trường quốc tế tăng lên mức cao nhất khoảng 6 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/8), nhờ nhu cầu mới của nhà đầu tư và lạc quan của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới giảm lãi suất.
Giá đồng giao tháng 9 tại thị trường New York có thời điểm 4,3065 USD/pound, cao nhất kể từ hôm 18/7 - khi giá kim loại này đạt mức 4,4280 USD/pound. Giá đồng kỳ hạn 3 tháng tại Sở Giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,3%, đạt 9.406 USD/tấn.
Theo hãng tin CNBC, giá đồng đã tăng vững trong những tuần gần đây, thu hẹp mức giảm sau khi trượt xuống ngưỡng thấp nhất 4 tháng vào đầu tháng này.
Trưởng chiến lược Ole Hansen của Saxo Bank cho biết sự phục hồi của giá đồng được củng cố một phần nhờ nhu cầu mới từ các quỹ phòng hộ vốn trước đây đã cắt giảm phân bổ vốn vào kim loại cơ bản này “trong đợt điều chỉnh giảm sâu 24% gần đây”.
“Chúng tôi tin rằng giai đoạn điều chỉnh tồi tệ nhất của giá đồng đã qua, nhưng trước khi giá đồng có thể phục hồi mạnh mẽ hơn, các yếu tố cơ bản về nhu cầu cần phải được cải thiện, có thể thông qua việc tích trữ đồng trở lại bằng nguồn tiền vay với lãi suất thấp hơn sau khi Fed hạ lãi suất”, ông Hansen nhận định trong một báo báo.
Ông nói thêm: “Cho đến lúc đó, các nhà giao dịch sẽ tiếp tục tìm kiếm các dấu hiệu cải thiện giá đồng, đặc biệt là thông qua việc lượng đồng tồn trữ giảm xuống từ mức cao tại các nhà kho thuộc ba sàn giao dịch tương lai lớn trên thế giới”.
Tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rõ ràng rằng ngân hàng trung ương này đã sẵn sàng giảm lãi suất vào tháng 9. “Đã đến lúc điều chỉnh chính sách”, ông Powell nói, nhưng không đưa ra thời điểm và mức độ giảm lãi suất cụ thể.
Giá đồng được cho là có khả năng được hưởng lợi từ việc Mỹ hạ lãi suất, vì chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ giúp giảm bớt căng thẳng tài chính cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Nhu cầu tiêu thụ đồng được giới chuyên gia coi là chỉ báo quan trọng về sức khỏe kinh tế. Kim loại có màu đỏ này giữ vai trò quan trọng không thể thiếu đối với các lĩnh vực khác nhau bao gồm hệ sinh thái chuyển đổi năng lượng, xe điện, lưới điện và turbine gió.
Các ngân hàng Phố Wall lạc quan về triển vọng giá đồng trong năm nay, do rủi ro về nguồn cung và nhu cầu cải thiện đối với các kim loại có tính dẫn điện. Trong một báo cáo hồi tháng 4, Citigroup dự báo thị trường đồng sắp bước vào thời kỳ giá lên (bull market) lần thứ hai trong thế kỷ này, ở thời điểm khoảng 20 năm sau chu kỳ đầu tiên như vậy.
“Từ quan điểm kỹ thuật, đà tăng của giá đồng đã chững lại sau khi gặp ngưỡng kháng cự ở mức cao nhất đầu tháng 8 ở 4,22 USD/pound tại thị trường New York và 9.320 USD/tấn tại thị trường London”, ông Hansen cho biết, nhưng nói rằng một sự bứt phá qua các mốc kháng cự này sẽ đưa giá đồng lên tương ứng 4,31 USD/pound và 9.500 USD/tấn.
Nhu cầu của thị trường Trung Quốc sẽ giữ vai trò quan trọng trong khả năng phục hồi cao hơn của giá đồng. Tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang ảm đạm do khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Hồi tháng 6, lượng kim loại đồng tồn trữ trong các nhà kho ở Trung Quốc cao nhất trong 4 năm.Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, lượng đồng tồn trữ tại các nhà kho của Sàn giao dịch hàng hoá tương lai Thượng Hải đã tăng lên mức khoảng 330.000 tấn trong tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 2020. Trước đó, lần gần nhất lượng đồng tồn trữ trên sàn này đạt mức cao như vậy là vào năm 2015.