08:06 09/04/2015

Giá xăng dầu thế giới đồng loạt giảm sâu

Diệp Vũ

Giá dầu thế giới lao dốc trên 6% trong phiên giao dịch đêm qua (8/4), sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 trong phiên trước đó

Thời gian gần đây, giá dầu thường xuyên biến động mạnh - Ảnh: Reuters.<br>
Thời gian gần đây, giá dầu thường xuyên biến động mạnh - Ảnh: Reuters.<br>
Giá dầu thế giới lao dốc trên 6% trong phiên giao dịch đêm qua (8/4), sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 trong phiên trước đó. Lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh và mức sản lượng dầu cao kỷ lục của Saudi Arabia là những nhân tố chính đẩy giá dầu giảm sâu phiên này.

Theo tin từ Reuters, Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho biết, dự trữ dầu thô của nước này tăng 10,95 triệu thùng trong tuần trước - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2001 - đạt 482,39 triệu thùng. Trong đó, khối lượng dầu tồn kho ở cảng dầu Cushing thuộc bang Oklahoma tăng 1,2 triệu thùng, lớn hơn dự báo trước đó của giới phân tích.

Thông tin này ngay lập tức đẩy giá dầu giảm nhanh hơn. Trước đó, giá dầu đã trượt dốc khi có tin Saudi Arabia khai thác dầu với tốc độ 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3, mức sản lượng cao nhất từ trước đến nay.

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 5 giảm 3,55 USD/thùng, tương đương giảm 6%, chốt ở 55,55 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 tại thị trường New York giảm 3,56 USD/thùng, tương đương giảm 6,6%, chốt ở 50,42 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu ngọt nhẹ đóng cửa ở mức gần 54 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 30/12/2014.

Số liệu về dầu tồn kho của Mỹ “rất bất lợi” cho giá dầu - ông John Kilduff thuộc công ty Again Capital ở New York nhận định.

Không chỉ giá dầu giảm mà giá xăng cũng giảm mạnh phiên hôm qua. Giá xăng RBOB giao sau tại Mỹ giảm 12,17 cent, tương đương giảm hơn 6,5%, đóng cửa ở 1,7392 USD/gallon.

Thời gian gần đây, giá dầu thế giới thường xuyên biến động mạnh. Vào đầu tuần này, giá dầu đã tăng vọt khi có dự báo cho rằng mức tồn kho dầu của Mỹ trong tuần qua không lớn. Thị trường cũng kỳ vọng thỏa thuận hạt nhân của Iran sẽ không thể sớm gây sức ép mất giá cho dầu.

Hôm qua, giới đầu tư dầu chuyển từ hy vọng sang thất vọng khi Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia Ali al-Naimi tuyên bố nước này sẵn sàng “cải thiện” giá dầu chỉ trong trường hợp các nhà sản xuất ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tham gia vào nỗ lực này. Ông al-Naimi cũng tuyên bố Saudi Arabia muốn duy trì sản lượng dầu ở ngưỡng khoảng 10 triệu thùng/ngày.

Gây áp lực giảm giá cho dầu còn có việc hai quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm qua tuyên bố cơ quan này có thể vẫn tăng lãi suất vào tháng 6 năm nay, bất chấp những dữ liệu có phần yếu đi của kinh tế Mỹ trong thời gian gầy đây.

Biên bản cuộc họp ngày 17-18/3 của FED được công bố vào hôm qua cho thấy các quan chức của ngân hàng trung ương này muốn bắt đầu việc tăng lãi suất, nhưng việc tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra với tốc độ chậm chạp.

Iraq và Libya cũng tăng sản lượng dầu lửa trong tháng 3, khiến sản lượng chung của OPEC lên mức 31,5 triệu thùng - theo nhà phân tích Olivier Jakob thuộc công ty Petromatrix có trụ sở ở Thụy Sỹ.

“Với mức sản lượng OPEC như vậy, sẽ rất khó tránh được việc mức dầu tồn kho gia tăng trong suốt năm nay”, ông Jakob viết trong một báo cáo.