15:50 16/12/2024

Giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công chứng

Đỗ Mến

Trong kiến nghị gửi đến Bộ Tư pháp năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công chứng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng vẫn còn một số tổ chức hành nghề công chứng chưa tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục công chứng, chứng thực: chứng thực bản sao có dấu hiệu sửa chữa, chưa tra cứu thông tin về tình trạng giao dịch của tài sản trên phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng.

Ngoài ra, còn tình trạng các văn phòng công chứng mượn công chứng viên hợp danh trong thời gian ngắn, gia hạn kéo dài thời gian có 01 công chứng viên hợp danh để đảm bảo duy trì điều kiện hoạt động, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Việc cập nhật thông tin ngăn chặn của các cơ quan có thẩm quyền lên cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh chưa kịp thời, đầy đủ.

Mặt khác, tình trạng giả mạo chủ thể, giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, rất khó để nhận diện, gây khó khăn cho công chứng viên trong quá trình hành nghề.   

NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨNG VIÊN

Bộ Tư pháp cho rằng Luật Công chứng số 46/2024/QH15 mới được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 có nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng, trách nhiệm của công chứng viên.

Để xử lý tình trạng mượn công chứng viên hợp danh, Luật Công chứng năm 2024 đã quy định hết thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, công chứng viên mới được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới, hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Luật Công chứng cũng quy định giới hạn các trường hợp được bổ sung thành viên hợp danh trong thời hạn 06 tháng chỉ trong các trường hợp sau: do thành viên hợp danh còn lại chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, bị khai trừ khỏi Văn phòng công chứng hoặc bị miễn nhiệm công chứng viên hoặc bị Tòa án cấm hành nghề công chứng.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời yêu cầu Sở Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng, tăng cường hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho các công chứng viên để nâng cao chất lượng hoạt động của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng Luật Công chứng 2024 có nhiều quy định mới về trình tự, thủ tục công chứng trong đó có quy định về việc tổ chức hành nghề công chứng khai thác thông tin của các giấy tờ trong hồ sơ công chứng.

Bao gồm: Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý tài sản hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó; Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến giao dịch mà pháp luật quy định phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Công chứng viên có quyền khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật để thực hiện việc công chứng.

Với các quy định trên, trường hợp cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan được liên thông thì có thể hạn chế tình trạng giả mạo chủ thể, giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

CÒN TÌNH TRẠNG “SÂN SAU”, TIÊU CỰC TRONG ĐẤU GIÁ

UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng tiêu chí chấm điểm lựa chọn tổ chức đấu giá ban hành tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 còn một số bất cập. việc chấm điểm, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, có tình trạng sân sau, tiêu cực trong việc lựa chọn.

Việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu sát. Tình trạng bao che, thông đồng, dìm giá, sân sau, dàn xếp kết quả đấu giá trong hoạt động đấu giá tài sản vẫn còn. Năng lực của một số đấu giá viên còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp. Xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản.

Giải đáp vấn đề trên, Bộ Tư pháp cho biết qua hơn 2 năm thi hành cho thấy việc ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP đã tạo cơ sở pháp lý cho người có tài sản thực hiện đánh giá, chấm điểm lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trong đó có vướng mắc như kiến nghị nêu trên.

Để khắc phục các vướng mắc phát sinh này, đồng thời triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTP và gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư để ban hành đảm bảo thời điểm có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Để đảm bảo việc triển khai quy định về lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá hiệu quả, minh bạch, khách quan, đề nghị Sở Tư pháp quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền quy định.