12:03 22/04/2008

Giảm chi phí đưa lao động sang Hàn

Lý Hà

Chi phí tuyển dụng đi lao động tại Hàn Quốc của Việt Nam cao gần gấp đôi so với một số nước trong khu vực

Phí tuyển dụng tại Philippines thấp nhất với 900 USD; Thái Lan 987 USD, Việt Nam cao gần gấp đôi với 1.700 USD.
Phí tuyển dụng tại Philippines thấp nhất với 900 USD; Thái Lan 987 USD, Việt Nam cao gần gấp đôi với 1.700 USD.
Lao động Việt Nam có tổng chi phí tuyển dụng trung bình bao gồm: vé máy bay, hộ chiếu, visa, thuốc men và đào tạo trước khi sang Hàn Quốc, cao thứ 2 sau Indonesia.

Trong khi phí tuyển dụng tại Philippines thấp nhất với 900 USD; Thái Lan 987 USD, thì Việt Nam cao gần gấp đôi với 1.700 USD.

Đây là kết quả điều tra được ông Choi Byung Gie, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Bộ Lao động Hàn Quốc công bố tại cuộc hội thảo nâng cao chất lượng tuyển dụng và chuẩn bị đưa lao động sang Hàn Quốc tại Hà Nội. Mục đích của cuộc hội thảo này là tìm giải pháp giảm chi phí tối đa cho người lao động, nhất là chi phí tiêu cực trong kiểm tra tiếng Hàn.

Tỷ lệ lao động qua trung gian nhiều nhất

500 lao động của 4 nước: Indonessia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc được Bộ Lao động Hàn Quốc khảo sát.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy khoảng 1/3 số lao động được hỏi qua trung gian tuyển dụng. Thái Lan có số lao động qua trung gian tuyển dụng ít nhất với 11%; Philippines 25%. Việt Nam và Indonesia là hai nước có tỷ lệ lao động qua trung gian nhiều nhất với 35%.

Kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam và Philippines có tỷ lệ lao động thi đỗ tiếng Hàn ngay từ vòng đầu cao nhất với 86%, thấp nhất là Indonesia. Theo nhận xét của ông Choi Byung Gie, đây cũng là hai nước lao động dành nhiều thời gian nhất cho việc ôn thi nhưng lại tốn ít tiền nhất cho chi phí học tập.

Tỷ lệ lao động Việt Nam được chủ thuê sử dụng Hàn Quốc tuyển chọn cũng được đánh giá là cao nhất. Khoảng 14% lao động Việt Nam cho biết công việc thực tế của họ khác so với công việc được mô tả trong hợp đồng, tỷ lệ này ở lao động Thái Lan là 27%. Có đến 44% lao động Việt Nam trả lời không hào hứng với việc tham gia tổ chức công đoàn.

Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động (Bộ Lao động Thương binh – Xã hội), tính đến thời điểm này, tổng số hồ sơ lao động Việt Nam gửi sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động phổ thông nước ngoài vào Hàn Quốc làm việc (EPS) là 40.217 hồ sơ, trong đó số lao động được tuyển chọn là 32.176 người, số lao động đã xuất cảnh là 26.621 người.

Tuy nhiên, ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh – Xã hội) cho biết, hiện có một bất cập nảy sinh, đó là từ khi kết thúc kiểm tra tiếng Hàn, nhận chứng chỉ và được chủ sử dụng tuyển chọn cũng như các thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc khá lâu nên tiếng Hàn của người lao động bị mai một.

Chính vì thế, khi sang Hàn Quốc làm việc, lao động Việt Nam bị đánh giá khả năng giao tiếp kém.

Sẽ giảm chi phí tối đa

Theo thống kê, trong những năm 80-90 đã có khoảng 150 ngàn lao động nước ngoài đến Hàn Quốc làm việc. Riêng chương trình tu nghiệp sinh, Hàn Quốc đã xóa bỏ từ 1/1/2007 và thay thế bằng chương trình cấp phép lao động (EPS).

Đây là một chương trình mà Chính phủ Hàn Quốc áp dụng với mục đích quản lý lao động nước ngoài một cách có hệ thống với tính tổ chức cao. Đây cũng là một chương trình phi lợi nhuận vì thế các doanh nghiệp Việt Nam không được phép thực hiện mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động của Chính phủ, cụ thể ở Việt Nam là Bộ Lao động Thương binh – Xã hội.

Tổng chi phí đi theo chương trình EPS đối với mỗi lao động chưa tới 1.000 USD. Tuy nhiên, tính chung hiện nay, cứ 100 lao động Việt Nam đi thi thì mới có 50 người được sang Hàn Quốc. Chính vì thế rất nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng thay vì kiểm tra tiếng Hàn đại trà trước khi đi như hiện nay, Hàn Quốc nên để lao động được chủ sử dụng sơ tuyển rồi mới thông báo cho đi học tiếng Hàn. Tuy nhiên đại diện phía Hàn Quốc lại cho rằng với quy trình như vậy sẽ kéo dài thời gian đợi chờ của người lao động và chi phí sẽ tốn kém nhiều hơn.

Theo ông Choi Byung Gie, so với các nước, lao động Việt Nam được đào tạo kỹ hơn về tiếng và các chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, nhưng chưa chú trọng đào tạo tinh thần làm việc cho người lao động. Việt Nam cần tăng cường thông tin các quy trình tuyển dụng của EPS đến người lao động để họ không phải qua trung gian.

Để giảm chi phí, trước mắt lệ phí kiểm tra tiếng Hàn từ 300 USD/người sẽ giảm còn 170 USD, Hàn Quốc sẽ chịu khâu đào tạo nghề cho người lao động Việt Nam khi sang đến Hàn Quốc, giúp Việt Nam giáo viên và đào tạo giáo viên dạy tiếng Hàn.

Các bên liên quan đều đi đến thống nhất, sẽ trình các cấp có thẩm quyền của 2 nước các phương án để giảm tối đa chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động.