09:45 05/09/2007

Giao thương Việt Nam-UAE: Cơ hội chưa khai thác hết

Thùy Trang

Việt Nam và UAE có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và du lịch ở Việt Nam

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Tiểu vương quốc Arab diễn ra tại Hà Nội ngày 4/9.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Tiểu vương quốc Arab diễn ra tại Hà Nội ngày 4/9.
GDP bình quân đầu người đạt gần 37.700 USD/năm, quy mô kinh tế lớn thứ ba trong thế giới Arab và là một trong những trung tâm thương mại xuất khẩu hàng hoá hàng đầu thế giới. Với những lợi thế hấp dẫn đó, thị trường Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hội chợ triển lãm tại Dubai. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên liên tục tăng trong những năm qua, đạt 200 triệu USD vào năm 2006. Hiện tại có gần 3.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia còn khiêm tốn.

Nhiều cơ hội hợp tác chưa được khai phá

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Tiểu vương quốc Arab diễn ra tại Hà Nội ngày 4/9 được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Tiểu vương quốc Arab Mohamed An Mactum, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, quan hệ hai nước không ngừng tăng cường trong những năm qua.

Việt Nam đã mở lãnh sự, cơ quan đại diện thương mại, trung tâm thương mại tại Dubai để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh với thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế thương mại khoa học và kỹ thuật năm 1999. Hiệp định này nhấn mạnh việc trao đổi kinh nghiệm và thông tin trong các lĩnh vực khác nhau như cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, thương mại, du lịch.

Ngoài thoả thuận đã được ký kết giữa hai bên, các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành sản xuất sản phẩm tại UAE còn được hưởng ưu đãi từ Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Arab mở rộng. Theo Hiệp định này, các sản phẩm được vận chuyển tới thị trường các quốc gia Arab khác không bị giới hạn về số lượng và không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Thị trường này hiện nay có hơn 300 triệu dân. Do đó, các dự án của doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với UAE chắc chắn sẽ được hưởng những ưu đãi này.

Tại UAE, Chính phủ đã cho hình thành các thành phố đầu tư chuyên môn hoá về dịch vụ và công nghiệp. Hơn nữa, nước này có hơn 32 vùng tự do với những cơ sở hạ tầng và dịch vụ cần thiết ở tất cả Các tiểu vương quốc. Rất nhiều công ty quốc tế đã thu hút được lợi ích từ đây và chuyển trụ sở của họ đến UAE.

Các điều kiện mà Tiểu vương quốc Arab thống nhất dành cho các nhà đầu tư cũng rất lớn, như miễn hoàn toàn thuế thu nhập. Thuế hải quan tối đa là 5%, và miễn thuế hải quan hoàn toàn cho các mặt hàng thực phẩm, thiết bị lắp máy và các hàng hoá cơ bản sử dụng trong lĩnh vực sản xuất...

Quan hệ thương mại Việt Nam-UAE những năm qua tăng trưởng ổn định. Các số liệu thống kê cho thấy năm 2006 hai nước đã trao đổi thương mại với giá trị hơn 165 triệu USD, tăng 46,2% trong vòng 4 năm qua. Mức sản phẩm của hai nước đã ngang hàng với hàng hoá cùng loại trên thế giới về mặt chất lượng và giá cả. Một số sản phẩm như, ure, gốm sứ, nhôm và các sản phẩm khác đã đạt được nhiều giải thưởng và chất lượng hàng hoá.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghiệp, hiện hai bên vẫn chưa có dự án nào hợp tác với nhau. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, trong những năm tới, doanh nghiệp hai nước cần tăng cường các hoạt động tiếp xúc nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

Hiện đang nổi lên làn sóng đầu tư của Hội đồng Các quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Tiểu vương quốc Arab vào Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực cho hợp tác phát triển công nghiệp giữa hai nước. Ông Hào cho rằng hai bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực UAE có thế mạnh như công nghiệp dầu lửa, hoá dầu, sản xuất xi măng, phân bón, sửa chữa tàu thuyền, xây dựng...

Mở ra triển vọng đầu tư

Với những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng ra thị trường bên ngoài để có thể tham gia xuất khẩu trên thị trường thế giới, trong đó có khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Theo ông, Obaid Humaid Al Tayer, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Dubai, Việt Nam và UAE có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và du lịch ở Việt Nam.

Việt Nam đặt ra mục tiêu 2015 thu hút 15 triệu du khách du lịch. Điều đó không thể một sớm một chiều đạt được. Do đó, theo ông Obaid Humaid Al Tayer, Việt Nam cần mở cửa hơn nữa, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch. “Chúng tôi có thể hỗ trợ cho Việt Nam làm thế nào có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực du lịch”.

Với quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sẽ tạo ra những sức mạnh và tiềm năng tăng trưởng mới cho Việt Nam. Các doanh nghiệp UAE mong muốn được tham gia vào quá trình CPH các doanh nghiệpNN ở Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam cần gia tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng như tỉ lệ đóng góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài trong các liên doanh ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp UAE cũng nhận thấy Việt Nam có nhu cầu lớn về công nghiệp điện. Trong chiến lược phát triển 2006-2010, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng 36 ngàn KW phát điện, do đó các doanh nghiệp UAE hi vọng sẽ tìm kiếm được cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp điện ở Việt Nam.

Một lĩnh vực hợp tác khác cũng được các doanh nghiệp UAE hết sức quan tâm đó xuất khẩu lao động. Với hệ thống giáo dục tốt, dân số trẻ, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường cung cấp nguồn lực lao động dồi dào. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp UAE có thể khai thác nguồn lực lao động dồi dào của Việt Nam.

Việt Nam có hệ thống giáo dục tốt, dân số trẻ, nhiều tiềm lực con người nên có cơ hội cho chúng tôi có thể khai thác nguồn của Việt Nam. Theo ông Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Dubai, phát triển nguồn nhân lực thông qua hoạt động giáo dục giữa hai bên, là một phương thức để có thể khai phá đầy đủ các cơ hội trong tương lai.

Lực lượng lao động Việt Nam cần khắc phục những rào cản ngôn ngữ, giải quyết được vướng mắc này sẽ tạo sức mạnh để Việt Nam có thể xuất khẩu lao động ra nước ngoài, biến Việt Nam thành thị trường cạnh tranh lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ kinh tế UAE, bà Sheikha Lubna Al Qasimi bày tỏ mong muốn có được mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thiết lập các dự án chung nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư gia tăng trao đổi thương mại và tận dụng các khả năng cạnh tranh của cả hai nền kinh tế.

Bà Bộ trưởng cho biết: UAE có lượng vốn đầu tư tư nhân đạt hơn 43% tổng lượng vốn cố định do đó hợp tác của hai bên sẽ có những cơ hội đầy hứa hẹn chủ yếu trong các dự án năng lượng, hoá dầu và khí. Bên cạnh đó cũng có những cơ hội đầu tư khác cho các dự án sản xuất thực phẩm, công nghiệp chế biến, các dự án công nghệ nhập khẩu công nghệ mới, chuyển giao tri thức và các dự án sản xuất sản phẩm y tế và dược phẩm, công nghiệp khai khoáng...

Tuy nhiên, để phát huy hết các cơ hội hợp tác của hai bên, theo bà Bộ trưởng cần sớm có những bước đi thích hợp giữa hai Chính phủ để đạt được một Hiệp định hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia, qua đó sẽ giúp hợp tác trong lĩnh vực tư nhân phát triển tốt hơn.