Giới đầu tư vàng “phớt lờ” mọi cảnh báo
Dường như không gì có thể ngăn được sự hứng thú mà giới đầu tư mới tìm thấy đối với vàng
Ở thời điểm hiện tại, dường như không gì có thể ngăn được sự hứng thú mà giới đầu tư mới tìm thấy đối với vàng trong năm 2016 - hãng tin Bloomberg cho biết.
Dù thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh và nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu khả quan trong những ngày gần đây, các nhà đầu tư vẫn rót vốn mạnh vào vàng. Mức đặt cược vào sự tăng giá của vàng đang cao nhất trong vòng hơn 1 năm, và lượng vàng mà các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) nắm giữ đã tăng 10 tuần liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2012.
Tất cả những điều này diễn ra bất chấp Goldman Sachs - ngân hàng đã dự báo trước được sự suy giảm của giá vàng từ năm 2013 - tiếp tục cảnh báo giá vàng sẽ giảm sâu hơn trong năm 2016.
Tháng 3 này đang trên đà trở thành tháng tăng giá thứ ba liên tiếp của vàng. Dù kinh tế Mỹ cho thấy sự vững vàng, giới đầu tư toàn cầu đang tỏ ra bi quan hơn về sự giảm tốc tăng trưởng ở khu vực châu Âu và châu Á, cho rằng sự giảm tốc này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố thêm các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng vào tuần trước, giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán trong khu vực đã chao đảo mạnh. Tâm lý của thị trường dao động giữa một bên là sự lạc quan cho rằng các biện pháp của ECB sẽ giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, và một bên là sự bi quan cho rằng các biện pháp như vậy sẽ không đủ sức vực dậy tăng trưởng.
Đợt tăng giá này của vàng “có một số cơ sở, vì tôi không cho là sẽ có một giải pháp dễ dàng đối với sự giảm tốc tăng trưởng đang diễn ra”, ông John Stephenson, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý quỹ Stephenson & Co. Capital Management ở Toronto, nhận định.
“Động lực đối với giá vàng hiện nay chính là những bất ổn xung quanh chính sách của các ngân hàng trung ương và môi trường lãi suất âm. Đó chính là trọng tâm của toàn bộ vấn đề mà thị trường đang phải đối mặt. Trong môi trường như vậy, vàng trở nên hấp dẫn”, ông Stephenson nói.
Trong tuần kết thúc vào ngày 8/3, số lượng ròng hợp đồng đầu cơ vàng giá lên tại các sàn giao dịch ở Mỹ đã tăng 21%, đạt 148.266 hợp đồng, cao nhất kể từ tháng 2/2015 - theo dữ liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau (CFTC) của Mỹ công bố ngày 11/3.
Trong tháng 3 này, giá vàng giao sau tại thị trường New York đã tăng 2% đạt mức 1.259,4 USD/oz. Từ đầu năm, giá vàng tăng 19%, trên đà khép lại quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1986.
Tuần trước, ECB hạ lãi suất cơ bản đồng Euro xuống âm 0,4% từ âm 0,3% trước đó. Thống đốc ECB Mario Draghi tuyên bố sẽ làm bất kỳ điều gì để kéo lạm phát tăng và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng GDP.
Lãi suất thấp và những mối lo tăng trưởng đã giúp vàng phát huy vai trò kênh lưu trữ giá trị từ đầu năm đến nay.
Theo dữ liệu của Bloomberg, cũng từ đầu năm, các nhà đầu tư đã rót 7,7 tỷ USD để mua chứng chỉ quỹ của các ETF vàng. Năm ngoái, 2,7 tỷ USD đã chảy khỏi các quỹ này.
Tính đến hôm thứ Năm tuần trước, các ETF nắm giữ 1.735,9 tấn vàng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Trong báo cáo tuần trước, các nhà phân tích của Goldman Sachs tái khẳng định quan điểm cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục giảm do nền kinh tế Mỹ mạnh lên. Những tín hiệu của sự tăng trưởng tiêu dùng khởi sắc ở Mỹ sẽ giúp “giải tỏa những mối lo của thị trường” - Goldman Sachs viết trong một báo cáo ra ngày 7/3.
Báo cáo này dự báo giá vàng sẽ giảm về mức 1.100 USD/oz trong ngắn hạn.
Tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường vàng sẽ là cuộc họp chính sách định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - cuộc họp mà giới đầu tư cho là FED sẽ không tăng lãi suất nhưng sẽ phát thêm tín hiệu về đường đi lãi suất trong thời gian tới.
Tháng 12 năm ngoái, FED có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ và nói có khả năng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục được thắt chặt hơn trong năm nay. Nhưng kể từ đó, sự giảm tốc nền kinh tế Trung Quốc đã khiến thị trường hoài nghi về khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Môi trường lãi suất thấp có lợi cho vàng - một tài sản không sinh lãi.
Không chỉ Goldman Sachs, một số nhà dự báo khác cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng giá vàng.
Vàng đã “nhận được một số dòng vốn chảy vào sau vài năm bị ‘ghẻ lạnh’, nhưng vàng vẫn chưa có được sự tỏa sáng thực sự. Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ vàng có thể tiếp tục được mua với vai trò ‘vịnh tránh bão’ hay không”, bà Fiona Boal, người đứng đầu mảng nghiên cứu hàng hóa cơ bản tại công ty quản lý tài sản Fulcrum Asset Management ở London, nhận định.
Dù thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh và nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu khả quan trong những ngày gần đây, các nhà đầu tư vẫn rót vốn mạnh vào vàng. Mức đặt cược vào sự tăng giá của vàng đang cao nhất trong vòng hơn 1 năm, và lượng vàng mà các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) nắm giữ đã tăng 10 tuần liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2012.
Tất cả những điều này diễn ra bất chấp Goldman Sachs - ngân hàng đã dự báo trước được sự suy giảm của giá vàng từ năm 2013 - tiếp tục cảnh báo giá vàng sẽ giảm sâu hơn trong năm 2016.
Tháng 3 này đang trên đà trở thành tháng tăng giá thứ ba liên tiếp của vàng. Dù kinh tế Mỹ cho thấy sự vững vàng, giới đầu tư toàn cầu đang tỏ ra bi quan hơn về sự giảm tốc tăng trưởng ở khu vực châu Âu và châu Á, cho rằng sự giảm tốc này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố thêm các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng vào tuần trước, giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán trong khu vực đã chao đảo mạnh. Tâm lý của thị trường dao động giữa một bên là sự lạc quan cho rằng các biện pháp của ECB sẽ giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, và một bên là sự bi quan cho rằng các biện pháp như vậy sẽ không đủ sức vực dậy tăng trưởng.
Đợt tăng giá này của vàng “có một số cơ sở, vì tôi không cho là sẽ có một giải pháp dễ dàng đối với sự giảm tốc tăng trưởng đang diễn ra”, ông John Stephenson, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý quỹ Stephenson & Co. Capital Management ở Toronto, nhận định.
“Động lực đối với giá vàng hiện nay chính là những bất ổn xung quanh chính sách của các ngân hàng trung ương và môi trường lãi suất âm. Đó chính là trọng tâm của toàn bộ vấn đề mà thị trường đang phải đối mặt. Trong môi trường như vậy, vàng trở nên hấp dẫn”, ông Stephenson nói.
Trong tuần kết thúc vào ngày 8/3, số lượng ròng hợp đồng đầu cơ vàng giá lên tại các sàn giao dịch ở Mỹ đã tăng 21%, đạt 148.266 hợp đồng, cao nhất kể từ tháng 2/2015 - theo dữ liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau (CFTC) của Mỹ công bố ngày 11/3.
Trong tháng 3 này, giá vàng giao sau tại thị trường New York đã tăng 2% đạt mức 1.259,4 USD/oz. Từ đầu năm, giá vàng tăng 19%, trên đà khép lại quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1986.
Tuần trước, ECB hạ lãi suất cơ bản đồng Euro xuống âm 0,4% từ âm 0,3% trước đó. Thống đốc ECB Mario Draghi tuyên bố sẽ làm bất kỳ điều gì để kéo lạm phát tăng và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng GDP.
Lãi suất thấp và những mối lo tăng trưởng đã giúp vàng phát huy vai trò kênh lưu trữ giá trị từ đầu năm đến nay.
Theo dữ liệu của Bloomberg, cũng từ đầu năm, các nhà đầu tư đã rót 7,7 tỷ USD để mua chứng chỉ quỹ của các ETF vàng. Năm ngoái, 2,7 tỷ USD đã chảy khỏi các quỹ này.
Tính đến hôm thứ Năm tuần trước, các ETF nắm giữ 1.735,9 tấn vàng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Trong báo cáo tuần trước, các nhà phân tích của Goldman Sachs tái khẳng định quan điểm cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục giảm do nền kinh tế Mỹ mạnh lên. Những tín hiệu của sự tăng trưởng tiêu dùng khởi sắc ở Mỹ sẽ giúp “giải tỏa những mối lo của thị trường” - Goldman Sachs viết trong một báo cáo ra ngày 7/3.
Báo cáo này dự báo giá vàng sẽ giảm về mức 1.100 USD/oz trong ngắn hạn.
Tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường vàng sẽ là cuộc họp chính sách định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - cuộc họp mà giới đầu tư cho là FED sẽ không tăng lãi suất nhưng sẽ phát thêm tín hiệu về đường đi lãi suất trong thời gian tới.
Tháng 12 năm ngoái, FED có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ và nói có khả năng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục được thắt chặt hơn trong năm nay. Nhưng kể từ đó, sự giảm tốc nền kinh tế Trung Quốc đã khiến thị trường hoài nghi về khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Môi trường lãi suất thấp có lợi cho vàng - một tài sản không sinh lãi.
Không chỉ Goldman Sachs, một số nhà dự báo khác cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng giá vàng.
Vàng đã “nhận được một số dòng vốn chảy vào sau vài năm bị ‘ghẻ lạnh’, nhưng vàng vẫn chưa có được sự tỏa sáng thực sự. Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ vàng có thể tiếp tục được mua với vai trò ‘vịnh tránh bão’ hay không”, bà Fiona Boal, người đứng đầu mảng nghiên cứu hàng hóa cơ bản tại công ty quản lý tài sản Fulcrum Asset Management ở London, nhận định.