Giữ lửa cải cách
Giữ lửa cải cách cần nghệ thuật, nhiều khi ở Việt Nam mình nóng quá lại hỏng, Viện trưởng CIEM bình luận
Cải cách, đó là hai chữ được nhắc đến với tần suất rất dày mỗi dịp năm hết Tết đến, như một sự nhấn mạnh về công việc dù đã có thành quả nhưng còn bộn bề gian khó của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong một sự kiện do cơ quan này tổ chức rất gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi về cải thiện môi trường kinh doanh cũng rất tâm tư về hai chữ ấy.
Ông Cung nói rằng, khi còn đương nhiệm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dặn hãy giữ lửa cải cách nhưng đừng đốt nóng quá, không khéo thì nhiều khi cháy cả tay mình.
Giữ lửa cải cách cần nghệ thuật, nhiều khi ở Việt Nam mình nóng quá lại hỏng, Viện trưởng CIEM bình luận.
Hội nghị ông Cung chủ trì hôm ấy đã đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ.
Và, những Nghị quyết 19, theo nhấn mạnh của ông Cung chính là một phần ngọn lửa cải cách mà ông đã giữ trong 5- 6 năm vừa rồi.
Hy vọng ngọn lửa này tiếp tục được giữ, dù không đơn giản, rất nhiều thách thức, ông Cung nói tiếp.
Không đơn giản, đó cũng là cảm nhận rất rõ ràng qua hội thảo đó của CIEM cũng như một số sự kiện cùng chủ đề trong những ngày cuối năm Mậu Tuất.
Trước khi tâm tư về lời dặn của nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bình luận về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 những năm qua, ông Cung cũng đã tỏ ra lo ngại khi hai chỉ số mà theo ông là cực kỳ quan trọng nhưng đang được xếp hạng rất thấp, trong 5 năm vừa rồi về căn bản không có thay đổi gì. Đó là chỉ số phá sản doanh nghiệp đã giảm 29 bậc sau 5 năm và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc.
Nhưng, một người vốn "tiết kiệm" lời khen như ông khi giới thiệu đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ về kinh nghiệm cải cách lại sử dụng hai chữ "ngôi sao".
Không khó để tìm lý do Viện trưởng CIEM dùng đến hai chữ này trong các tài liệu gần nhất từ các hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh.
Đó là, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cấp phép xây dựng năm 2018 của Việt Nam đạt thứ hạng 21/190 nền kinh tế và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Là một trong những bộ đầu tiên hoàn thành bãi bỏ và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%), đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh các lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Xây dựng còn là bộ đầu tiên hoàn thành cắt giảm 52% mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và chuyển sang hậu kiểm.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì một trong những điểm sáng của cải cách hành chính năm qua là trung tâm hành chính công của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, từ tháng 10/2018, Bộ bắt đầu vận hành trung tâm một cửa hành chính tập trung. Bộ phận một cửa có nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ. Trung tâm một cửa sẽ chuyển hồ sơ cần giải quyết đến bộ phận chuyên môn chịu trách nhiệm trực tiếp. Điều này sẽ làm giảm chi phí cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính.
Kết quả nghe có vẻ ấn tượng vậy nhưng theo chia sẻ của người trong cuộc thì cũng chẳng hề đơn giản chút nào.
Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Xây dựng kể rằng, sau khi mời chuyên gia từ CIEM sang hướng dẫn thì Bộ này mới hiểu rằng chỉ số cấp phép xây dựng liên quan đến 10 bộ, ngành chứ không chỉ riêng Bộ Xây dựng. Mà có những bộ ban đầu rất phản đối việc lồng ghép một số thủ tục với nhau, lại phải mời chuyên gia phân tích tiếp, rồi họp, rồi thuyết phục...mới ra được quy chế phối hợp hiệu quả như hiện tại.
Về thực hiện một cửa liên thông, bà Hạnh cho biết Bộ đã đưa ra mục tiêu giảm tối thiểu 30% thực hiện trên thực tế so với quy định trên giấy tờ. Trung tâm này cũng có hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, bước đầu có phản hồi tích cực.
Điểm sáng dễ tìm nhưng điểm chưa sáng cũng không khó thấy. Ngoài mức độ cải cách của các bộ ngành chưa đồng đều thì tình trạng trên nóng dưới lạnh hay trên trải thảm dưới trải gai từng được nêu từ diễn đàn Quốc hội, Chính phủ cho đến ý kiến chuyên gia dường như vẫn đang là thách thức không nhỏ.
Người viết bài này, trong câu chuyện cuối năm với một số bạn bè đã nghe một vị từng làm doanh nhân kể rằng: bà thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực hết sức khó, chật vật nhiều năm mới có lãi và đang có ý định mở rộng thị trường ra nước ngoài. Nhưng, sau khi bị "hành" quá sức chịu đựng thì đã xin giải thể doanh nghiệp, về làm hộ kinh doanh cá thể. Tiếc là, đây không phải chuyện cá biệt.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018 có trên 131.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới song số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng gần 50% so với năm ngoái, ở mức 90.651 doanh nghiệp.
Xem ra, ngọn lửa cải cách nếu chỉ được nhen và giữ ở Trung ương sẽ chẳng đủ sức nóng cần thiết để xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam lên được ASEAN 4 như mục tiêu của Chính phủ.