11:00 29/03/2022

Golf tour: “kho báu” để phục hồi du lịch

Tường Bách

Nằm trong xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch golf là thị trường ngách thuộc phân khúc cao cấp, mang lại doanh thu cao, thúc đẩy đa dạng trải nghiệm tại các điểm đến...

Từ năm 2018 đến nay, người chơi golf chỉ chiếm khoảng 0,8% trên tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, con số này khá khiêm tốn so với Thái Lan là 9%. Phần lớn du khách golf đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á khác. Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự đoán du lịch golf sẽ trở thành ngành kinh doanh tỷ đô và thu hút gấp 3 lần lượng khách đến trải nghiệm trong năm 2022 sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế.

THỊ TRƯỜNG BÙNG NỔ SAU ĐẠI DỊCH

Các số liệu nghiên cứu mới được công bố bởi The R&A và Sports Marketing Surveys (SMS) cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số người chơi golf trên toàn thế giới đã tăng hơn 5,5 triệu người. Đến cuối năm 2021, tổng số người chơi golf trên toàn cầu đã lên đến 66,6 triệu người. Các khu vực có mức tăng lớn nhất bao gồm châu Á (từ 20,9 triệu lên 23,3 triệu); châu Âu (từ 7,9 triệu lên 10,6 triệu); và Bắc Mỹ (từ 29,9 triệu lên 30,6 triệu). 

Golf tour: “kho báu” để phục hồi du lịch - Ảnh 1

Phil Anderton, Giám đốc Phát triển của The R&A, cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, golf đang thực sự bùng nổ về mức độ phổ biến. Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về sự tham gia ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt trong hai năm qua khi môn thể thao này có thể chơi an toàn ngoài trời trong đại dịch Covid-19”.  Những phát hiện từ Bayfirth Research cũng cho thấy trong số những người chơi golf mới, 98% những người được phỏng vấn cho biết họ thích chơi golf và 95% dự định tiếp tục chơi golf trong nhiều năm tới. 

Chính nhờ những điều này, du lịch golf được xem là loại hình mang lại nhiều đột phá cho ngành du lịch hậu đại dịch. Sự gia tăng về nhu cầu chơi golf được lý giải bởi môn thể thao này có những đặc thù “đo ni đóng giày” cho các khuyến cáo về an toàn và giãn cách hiện nay. Trên thế giới, Mỹ và Nhật Bản là các quốc gia dẫn đầu về du lịch golf. Riêng Nhật Bản đã sớm trở thành tâm điểm “bùng nổ” golf ở châu Á và nhanh chóng lan rộng đến các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.

Trong thời gian đại dịch, tại Thái Lan, nhiều du khách sẵn sàng chi trả hơn 2.240 USD cho tour du lịch “golf quarantine” (cách ly và chơi golf). Đây được xem là ngành du lịch thế mạnh tại xứ sở “chùa Vàng” và có cơ hội phục hồi nhanh chóng sau đại dịch toàn cầu. Một số nhóm khách đến từ Hàn Quốc trong vòng hai tuần cách ly tập trung, đã có cuộc sống thoải mái chơi golf và tận hưởng nghỉ dưỡng. Ngành du lịch này kỳ vọng mỗi du khách sẽ mang lại doanh thu ít nhất 100.000 Baht (tương đương hơn 3 nghìn USD) cho Thái Lan trong tương lai tới.

Việt Nam đã có 2 năm được vinh danh là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới”.
Việt Nam đã có 2 năm được vinh danh là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới”.

Hàn Quốc là thị trường golf lớn thứ ba thế giới (hơn 3 triệu người trên sân) chỉ xếp sau Mỹ (ước tính 28,8 triệu) và Nhật bản (khoảng 10 triệu). Ngân hàng KB Kookmin Hàn Quốc ghi nhận, doanh số bán hàng tại các sân golf từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đối tượng chi tiêu cho môn thể thao “nhà giàu” này là người trẻ, ở độ tuổi 20 - 30, tăng mạnh. Với sự lên ngôi của xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, giới khách du lịch siêu giàu và trung lưu Hàn Quốc hiện ưa chuộng các điểm đến biệt lập với đánh golf là trải nghiệm đi kèm không thể thiếu.

Theo trang Tourism Review News, có khoảng 5 - 10% người du lịch khắp thế giới với mục đích duy nhất là chơi golf. Du khách chơi golf có xu hướng chi tiêu cao hơn so với các đối tượng khác và thu về nguồn lợi nhuận ngoại tệ khổng lồ cho các quốc gia dựa vào du lịch. Ngay cả lĩnh vực bất động sản, hàng không và lưu trú nghỉ dưỡng cũng bị lôi cuốn vào ngành du lịch golf sinh lợi hấp dẫn này.

THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CHO VIỆT NAM

Khi “Cá mập trắng” Greg Norman - tay golf huyền thoại thế giới - xuất hiện trên video quảng bá du lịch Việt Nam, với chiếc mũ và nụ cười quen thuộc, anh nói: “Người ta thường đến Việt Nam vì phong cảnh, văn hoá và đồ ăn. Tôi đến đây vì tất cả những điều đó, nhưng hơn thế là để được chơi ở một trong những sân golf tốt nhất thế giới”. Đó là khi người ta hiểu rằng, du lịch Việt Nam đã ở một giai đoạn khác hẳn với thời kỳ mới là vẻ đẹp tiềm ẩn.

 
Việt Nam đã có 2 năm được vinh danh là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” (2019, 2021) và 5 năm liên tục là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” kể từ năm 2017 trong hệ thống giải World Golf Awards (WGA). Tổ chức World Golf Awards (WGA) cũng nhấn mạnh: “Việt Nam là nơi thị trường golf đang hồi sinh”.

Đi sau so với Thái Lan, Malaysia, nhưng các sân golf Việt Nam có ưu thế là đẹp, mới, đa dạng địa hình, do nhiều golfer nổi tiếng thế giới thiết kế. Còn sân golf ở Nhật Bản đẹp hơn nhưng không thể hoạt động trong mùa đông. Do đó, đến Việt Nam để chơi golf là một lựa chọn hợp lý.

Nhìn ở góc độ của một golf thủ, ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng tại Việt Nam, lượng người chơi golf còn thấp so với Thái Lan, nhưng con số này sẽ tăng lên trong những năm tới. Ông cho biết, lượng người chơi golf trên thế giới vào khoảng 60 triệu người, trong khi Việt Nam đã 5 năm liền được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á và là điểm đến golf tốt nhất thế giới năm 2021. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những du khách tới đây chơi golf.

Bà Phạm Thị Sen, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Goodfeeling Việt Nam - đơn vị chuyên tổ chức các chuyến bay đón khách đánh golf từ Hàn Quốc sang Việt Nam - cho biết, dự kiến trong quý 1/2022, Goodfeeling Việt Nam sẽ có 18 chuyến bay charter từ Hàn Quốc về Đà Nẵng và Hạ Long. Đại diện nhiều đơn vị lữ hành và doanh nghiệp nghỉ dưỡng cũng khẳng định rất rõ tiềm năng từ kinh tế golf, không chỉ với khách du lịch quốc tế, mà cả với khách du lịch trong nước.

Đi sau so với Thái Lan, Malaysia, nhưng các sân golf Việt Nam có ưu thế là đẹp, mới, đa dạng địa hình, do nhiều golfer nổi tiếng thế giới thiết kế.
Đi sau so với Thái Lan, Malaysia, nhưng các sân golf Việt Nam có ưu thế là đẹp, mới, đa dạng địa hình, do nhiều golfer nổi tiếng thế giới thiết kế.

Tuy nhiên, ngành du lịch golf cũng còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, hiện chưa có đơn vị nào vào cuộc để có tour trọn gói cho du khách chơi golf từ Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi ở Thái Lan, Malaysia đã có tour trọn gói giá tốt, nhờ sự vào cuộc từ chính phủ, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng muốn kích cầu các tour du lịch golf trong nước cần có gói đánh golf riêng với giá thấp hơn nhiều so với hội viên chơi golf. Nhưng hầu hết các chủ sân golf lại giữ quan điểm du lịch golf phải là sản phẩm cao cấp. Chính điều này đã hạn chế đối tượng khách hàng của loại hình du lịch này. 

Hiện có gần 100 sân golf đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế dọc đường biển, liền kề các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Xét về tiềm năng dài hạn, du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chơi golf hoàn toàn có thể trở thành một kho báu của du lịch Việt, trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới về thị trường golf.