08:00 23/03/2022

Thời điểm “vàng” để mở cửa, doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng?

Nguyễn Tuyến

Bên cạnh các điều kiện nội tại, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là thời điểm “chín muồi” để mở cửa bởi nhu cầu du lịch Việt Nam của khách quốc tế đang ở mức cao...

Ảnh: VET
Ảnh: VET

Tại Tọa đàm “Mở cửa du lịch hậu Covid – Những vấn đề nóng cần giải quyết” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20/2, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi trước quyết định mang tính bước ngoặt cho thị trường du lịch quốc tế sau 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh.

MẤT THỊ TRƯỜNG NẾU MỞ CỬA MUỘN HƠN

Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Sunworld, Tập đoàn Mặt trời, nhận xét: “Tôi cho rằng đây là thời điểm mở cửa phù hợp. Bởi nói là mở cửa nhưng phải mất 1-3 tháng thì mới có thể triển khai thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu. Đây là thời điểm vàng và kịp thời, bởi Việt Nam đã đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cao. Chúng ta cảm thấy an tâm ở chính bên trong nội tại và du khách cũng thấy vậy”, “Nếu mở muộn hơn, chúng ta sẽ mất thị trường”.

Thời điểm “vàng” để mở cửa, doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng? - Ảnh 1

Theo bà Nguyện, với việc mở cửa ở thời điểm này, Việt Nam sẽ kịp đón khách từ các thị trường Đông Bắc Á vào dịp cao điểm tháng 4-5 sắp tới, và tiếp đó là thị khách châu Âu, Nga, Úc từ tháng 8-9.

Tại châu Á, nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Philippines đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại được nhiều tháng với các điều kiện thông thoáng như miễn cách ly, chỉ yêu cầu xét nghiệm nhanh… Tuy nhiên, so với những quốc gia này, các yêu cầu với du khách quốc tế của Việt Nam được đánh giá là thông thoáng hơn.

Khách nước ngoài vào Việt Nam không phải xuất trình hộ chiếu vaccine hay chứng nhận tiêm chủng mà chỉ cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ với phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ với phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Việt Nam cũng chỉ yêu cầu du khách có bảo hiểm chi trả chữa trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD. Hiện tại, Singapore yêu cầu có xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ, còn Thái Lan yêu cầu có bảo hiểm tối thiểu 50.000 USD.

Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel, đây là những chính sách hoàn toàn phù hợp khi mà Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện về y tế cũng như các điều kiện khác như an ninh, quốc phòng.

“Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ. Đây là thời điểm rất phù hợp để chúng ta chuẩn bị đón và phục vụ khách quốc tế một cách an toàn nhất”, ông Khánh nhận định.

Thời điểm “vàng” để mở cửa, doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng? - Ảnh 2

Bên cạnh các điều kiện nội tại, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là thời điểm “chín muồi” để mở cửa bởi nhu cầu du lịch Việt Nam của khách quốc tế đang ở mức cao. Báo cáo từ công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế đối với hàng không và lưu trú du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 24/12/2021 tới ngày 11/3/2022, con số này đạt hơn 75%, cao nhất trên toàn cầu. Đồng hạng với Việt Nam là Croatia, còn xếp sau là Hy Lạp, Chile, Bulgaria, Ba Lan, Áo, Bồ Đào Nha với tỷ lệ tăng trưởng lượng tìm kiếm trong khoảng 25-75%.

DOANH NGHIỆP SẴN SÀNG ĐÓN SÓNG

Để chuẩn bị cho thời điểm chính thức mở cửa đón khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã đầu tư công sức, tiền bạc cũng như lên kế hoạch sẵn sàng, chỉ chờ Chính phủ “bật đèn xanh”.

“Là một doanh nghiệp đầu đàn, Sun Group đã tận dụng 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh vừa qua để thay áo mới và phủ xanh cho các cơ sở của mình. Trở lại Bà Nà tới đây, du khách sẽ thấy chúng tôi đã đầu tư rất lớn với những công trình kỷ lục. Hay như khu du lịch tại Hòn Thơm, Phú Quốc hay tại Núi Bà Đen, chúng tôi đều có những điểm mới. Nhờ đó, vừa qua chúng tôi chứng kiến lượng khách nội địa kỷ lục”, bà Trần Nguyện chia sẻ.

Theo bà, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tốt giai đoạn khó khăn, “biến nguy thành cơ” để trở lại mạnh mẽ hơn.

Bà Trần Nguyện - Ảnh: Chu Xuân Khoa
Bà Trần Nguyện - Ảnh: Chu Xuân Khoa

“Điều quan trọng nhất khi thị trường trở lại là, ngoài sản phẩm mới, cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Triết lý của chúng tôi là làm du lịch văn minh – bài bản, dịch vụ từ trái tim – mọi dịch vụ đều xuất phát từ trái tim và chạm tới trái tim của khách hàng”, bà Nguyện nói.

Cũng chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty du thuyền Ambassador Cruise, cho biết 2 năm qua, với sự hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng, công ty vẫn không ngừng đầu tư phát triển đội tàu và các mảng kinh doanh khác.

“Chúng tôi vẫn hỗ trợ để giữ chân nhân viên, giới thiệu công việc khác cho họ trong thời gian vắng khách để ngay khi thị trường mở cửa có thể đón 80% nhân viên cũ quay lại. Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật trang web, xây dựng lại các ngôn ngữ để tiếp cận được nhiều thị trường nước ngoài. Chúng tôi đã kịp liên hệ và làm việc với các đối tác ở những thị trường tiềm năng như ở châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và xa hơn là châu Âu, châu Mỹ. Đây là nhóm đối tượng dễ tiếp cận và họ đi du lịch ngay khi thị trường mở cửa. Ambassador Cruise đã kế hoạch và tới thăm và làm việc với các đối tác chiến lược trong những tháng tới đây”, ông Hoàng Anh Dũng cho biết.

Mục tiêu của Ambassador Cruise là làm hài lòng cả khách quốc tế lẫn nội địa, hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, không chỉ 4-5 sao mà còn cả 6-7-8 sao trong tương lai. 

Một số doanh nghiệp cũng nhân thời gian đóng cửa vì dịch để định hướng lại hoạt động kinh doanh của mình. Ông Phùng Xuân Khánh cho biết TienPhong Travel đã gọi lại những nhân sự cốt cán để cùng bàn bạc xác định các thị trường trọng điểm và sản phẩm trọng tâm thời gian tới.

“Bằng cách này, chúng tôi xác định nguồn lực tài chính xem đầu tư như thế nào, khoảng bao nhiêu cho phù hợp. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những điều tốt đẹp nhất trong tương lai”, ông chia sẻ.

Cùng với chuẩn bị nguồn lực, công nghệ và chuyển đổi số là yếu tố ngày càng được doanh nghiệp chú trọng. Đây được xem là "bàn đạp" duy nhất, không chỉ để tồn tại mà còn để vươn lên sau đại dịch.

Toàn cảnh tọa đàm ngày 20/3 - Ảnh: Chu Xuân Khoa
Toàn cảnh tọa đàm ngày 20/3 - Ảnh: Chu Xuân Khoa

“Với Sun Group, chúng tôi thực hiện 2 việc. Một là, thực hiện trong nội bộ với ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống số liệu và quản trị kinh doanh. Hai là, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Covid-19 là cái cớ để quá trình chuyển đổi số phải diễn ra nhanh hơn. Thói quen du khách thay vì đặt dịch vụ qua các kênh truyền thống, họ đã chuyển qua đặt trực tuyến. Chúng tôi áp dụng chuyển đổi số, chúng tôi triển khai hành trình một chạm, chạm thông minh…”, đại diện Sun Group chia sẻ.

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chuyển đổi số khó khăn hơn bởi sự hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này vẫn dần thích nghi với xu thế chuyển đổi số tùy vào năng lực của mình.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa , đặc biệt doanh nghiệp lữ hành đang đi theo con đường tiếp cận dần dần. Năng lực của mình đến đâu thì làm tới đến đấy. Đầu tiên dùng phần mềm thông minh trước để vẫn tiếp cận được khách hàng, vẫn phục vụ khách hàng và quản lý được dữ liệu khách hàng. Tiếp theo là xây dựng nền tảng để cạnh tranh với nước ngoài – đây là bài toán dài hơn”, Giám đốc TienPhong Travel cho biết.

Bên cạnh sự chuẩn bị sẵn sàng để đón khách, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đưa ra nhiều đề xuất để thúc đẩy thị trường khách quốc tế tới Việt Nam trong thời  gian tới như tăng  miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày và mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Úc, New Zealand và Canada. Ngoài ra, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện để được nhận tín dụng cũng như tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Phùng Xuân Khánh - Ảnh: Chu Xuân Khoa
Ông Phùng Xuân Khánh - Ảnh: Chu Xuân Khoa

“Chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ phục hồi 350.000 tỷ được triển khai làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành, có thể tiếp cận thuận lợi nhất. Chính phủ rất quyết đoán, rất mạnh mẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đến khâu triển khai xuống dưới thì vẫn bị tắc. Tôi hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tiếp cận nguồn vốn trên”, lãnh đạo TienPhong Travel kiến nghị.