11:41 26/03/2022

Doanh nghiệp Hà Nội “gỡ nút thắt” mở cửa du lịch

Tuệ Mỹ

Đã hai tuần kể từ khi ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn, bên cạnh niềm vui cũng còn nhiều nỗi lo, nhất là với tình hình nhân sự du lịch hiện tại, vừa thiếu lại vừa yếu, do hai năm dịch bệnh vừa qua, rất nhiều nhân sự đã bỏ việc, chuyển nghề…

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021, cơ bản là khách nội địa. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Về tình hình kinh doanh khách sạn, tính đến tháng 3/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.000 phòng; trong đó có 591 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 24.415 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.  

TUYỂN DỤNG KẾT HỢP ĐÀO TẠO

Cùng với tín hiệu phục hồi này, số doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới trên địa bàn thủ đô cũng có sự tăng trưởng. Trong số 1.083 doanh nghiệp lữ hành có sản phẩm du lịch đảm bảo chất lượng được Sở Du lịch Hà Nội công bố thì hơn 60 là đăng ký mới sau khi kết thúc giãn cách xã hội, từ tháng 9/2021. Một nửa số này là đăng ký mới trong quý 1/2022. Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, một số doanh nghiệp đang giới thiệu các sản phẩm mới như tour du lịch đêm Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò; du lịch xe bus quanh trung tâm thủ đô... Du lịch sinh thái tại các vùng ven đô cũng được chú ý phát triển.

Bày tỏ niềm vui khi ngành du lịch được mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động, bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel and Media khẳng định, du lịch Hà Nội cũng như cả nước chắc chắn sẽ phục hồi trong thời gian tới, dù không thể ngay lập tức trở lại như trước nhưng đang có những dấu hiệu tốt. Công ty Ascend Travel and Media cũng đã bắt đầu xây dựng tour tuyến cho du lịch hè phục vụ khách trong nước. Hay như Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cũng đã có những hợp đồng với những đoàn khách từ châu Âu hay những hợp đồng của khách Việt Nam ra nước ngoài.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành du lịch nói chung và du lịch thủ đô nói riêng là vấn đề thiếu hụt nhân sự. Khan hiếm lao động, nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng gần đây tại TP.Hà Nội đang rầm rộ đăng tin tuyển dụng nhân sự với mức lương ưu đãi. Bà Nguyễn Phương Anh, Quản lý Khách sạn MK Primier, Hà Nội cho hay lực lượng lao động ngoại tỉnh từng làm việc tại khách sạn đang được kết nối trở lại khi họ đã tiêm phòng 3 mũi vaccine. "Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có lớp nhân viên mới bằng cách đào tạo những sinh viên mới ra trường để có thể chạy từ 70 - 80% công suất như ngày trước,” bà Phương Anh nói.

Thách thức lớn nhất hiện nay của ngành du lịch nói chung và du lịch thủ đô nói riêng là vấn đề thiếu hụt nhân sự.
Thách thức lớn nhất hiện nay của ngành du lịch nói chung và du lịch thủ đô nói riêng là vấn đề thiếu hụt nhân sự.

Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi với đặc điểm đón khách quốc tế là chủ yếu nên nhân viên được tuyển dụng có yêu cầu đặc thù hơn là buộc phải biết tiếng Anh. Bên cạnh đó, vì là khách sạn 5 sao nên nhân sự phải được đào tạo dưới khung chuẩn toàn cầu. Ông Anthony Slewka, Giám đốc Kinh doanh & Truyền thông, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, nói: "Chúng tôi tuyển dụng lại các nhân sự đã có kinh nghiệm lâu năm làm việc, vị trí tuyển dụng là nhân viên buồng phòng. Đại diện Accord sẽ sang đào tạo theo kế hoạch 1 tháng/lần để đảm bảo chất lượng chuẩn 5 sao toàn cầu".

Không chỉ các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành cũng ráo riết hoàn thiện lại đội ngũ nhân sự. Ngoài các vị trí truyền thống, họ cũng đặc biệt tuyển dụng các vị trí am hiểu về công nghệ, nhằm phục vụ cho nhu cầu của du khách, vốn đã có nhiều sự thay đổi dưới tác động của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, cho biết: "Chúng tôi bổ sung thêm nhân lực về mặt công nghệ để ứng dụng 4.0 để giúp du khách đăng ký trực tuyến, tương tác trực tuyến, trải nghiệm trực tuyến cho du khách".

Tương tự, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết: "Chúng tôi đã tuyển lại nhân sự mới được 75% như trước kia. Đa phần, nhân sự cũ đã rời du lịch, làm ổn định ở lĩnh vực khác thì giờ không muốn quay lại. Để chuẩn bị đủ nhân sự khi thị trường du lịch hoạt động bình thưởng trở lại, chúng tôi đã tính đến phương án tuyển mới sinh viên sắp ra trường để đào tạo”.

“Hiện các học viên năm cuối đều được các doanh nghiệp liên hệ với trường để tuyển dụng. Không chỉ vậy, trường cũng liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm đào tạo cho đối tượng thất nghiệp muốn quay trở lại thị trường lao động, kết hợp gắn với đào tạo tại doanh nghiệp, ” ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng trường Trung cấp Du lịch Hà Nội chia sẻ.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2022

Trong năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84 - 35,84 nghìn tỷ đồng; phấn đấu năm 2023, thành phố đón và phục vụ từ 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 - 3,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78 - 55,78 nghìn tỷ đồng.

Với xu hướng đó, công tác tuyển sinh ngành du lịch của các trường đại học, cao đẳng sẽ có nhiều tín hiệu vui; công tác tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp du lịch sẽ phục hồi trở lại và cơ hội cho sinh viên du lịch ra trường được mở rộng như trước và hơn trước. Theo nhiều chuyên gia dự báo, năm 2022, ngành du lịch vẫn là một ngành “hot” trong tuyển sinh.

 
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2021, khoảng 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề; cùng với khoảng 21.500 người lao động ngành du lịch phải tạm ngưng công việc, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối cơ sở lưu trú, 11.600 lao động chấm dứt hợp đồng lao động khoảng, chiếm 18,3%. 

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, nâng cao kỹ năng, chất lượng của đội ngũ nhân sự, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, cơ quan quản lý du lịch cần hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, chuyên sâu, đáp ứng được tiêu chí mới của ngành du lịch trong bối cảnh “thích ứng, an toàn dịch Covid-19”. Các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực; bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo; có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao quay trở lại làm việc.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp còn này tỏ các băn khoăn cần tháo gỡ khi đón khách Inbound và Outbound. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, dù Việt Nam đã cởi mở trong việc đón khách quốc tế nhưng để đón được đối tượng khách này còn phụ thuộc vào chính sách xuất nhập cảnh và phòng, chống Covid-19 của các nước mà du lịch Việt Nam hướng tới.

"Ví như, các quốc gia đó có đưa Việt Nam vào danh mục để khuyến cáo người dân của họ có nên du lịch hay không? Khi quay về có bị cách ly hay không? Còn nếu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì các nước có thừa nhận "hộ chiếu” vaccine của Việt Nam hay không?” ông Nguyễn Công Hoan đặt vấn đề. Ông Hoan cho rằng mong muốn hiện nay của doanh nghiệp lữ hành là có sự đồng bộ hóa về chỉ đạo, điều hành không chỉ của ngành du lịch mà của cả các ngành liên quan khác.

Trong năm 2022, thành phố tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội. 
Trong năm 2022, thành phố tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội. 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, từ nay đến cuối năm, ngành Du lịch triển khai hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, TP.HCM và các tỉnh phía Nam... nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến, xây dựng tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao. Trong năm 2022, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc. Trong đó, thành phố tập trung vào các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và sau thời gian diễn ra SEA Games 31.

Do đó, bên cạnh việc cởi mở, nới lỏng chính sách đón khách, các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần có thêm chính sách thu hút một số thị trường tiềm năng trên thế giới, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch để giới thiệu các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam...